Tìm sự chính danh của ví GrabPay by Moca
Anh Ngô Đăng Huy ngụ ở quận 10, TPHCM, phàn nàn trên Facebook: “Mình nạp tiền với GrabPay để xài và giờ Grab ẩn không cho xài. Gọi tổng đài hoài không được. Anh em biết vì sao không? Chỉ mình với”… và sau đó là hàng loạt câu trả lời vui của bạn anh Huy trên Facebook: “Cảm ơn bạn đã đóng góp, cứ vài trăm ngàn người như bạn, 1 ngày chúng tôi có thêm vài chục tỷ để xoay vòng” hay “Anh bị giữ 400.000 cả năm nay mà không biết sao luôn”…
Ví dụ trên không là gì với GrabPay by Moca vì trong lịch sử đã có những vụ “ôm tiền” của rất nhiều khách hàng mà cả tháng sau mới giải quyết. Nhưng tính chính danh của GrabPay by Moca mới là vấn đề. Tháng 9-2018, Grab mua lại hơn 3% cổ phần của Công ty Moca từ quỹ Access Venture SPV. Tuy tỷ lệ cổ phần Grab nắm giữ được công bố chỉ là 3,5%, nhưng có 2 lãnh đạo của Grab Việt Nam đã xuất hiện trong HĐQT của Moca.
Sau đó, tỷ lệ sở hữu của ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch kiêm CEO Moca, giảm từ 41,055% còn 30,34% (trong một thông báo từ cuối tháng 5-2018, thời điểm lãnh đạo Grab tham gia vào ban điều hành Moca). Ở đây đặt ra câu hỏi có phải Moca thực chất đã bán hết cổ phần cho Grab, nhưng vẫn công bố thông tin chỉ là một thương vụ hợp tác để lách luật?
Với người dùng, thực tế số dư tài khoản không nằm ở ví Moca mà nằm trong tài khoản của Grab. Người dùng có thể dùng GrabPay by Moca để thanh toán cho cả ngàn cửa hàng, tiệm ăn, chuỗi thực phẩm tại Việt Nam…, tức GrabPay by Moca đang hoạt động y như một ví điện tử. Nhiều người cho rằng Grab như đang mượn giấy phép của Moca, một hành vi bị nghiêm cấm theo các quy định về trung gian thanh toán hiện hành.
Thực tế hơn, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cho Moca chứ không phải cho Grab. Vậy tính chính danh của GrabPay by Moca ở đâu, có phải là ví điện tử hay không? Nhất là khi Thông tư 39/2014/TT-NHNN về trung gian thanh toán quy định: “Nghiêm cấm việc làm giả, tẩy xóa, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn giấy phép; ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo giấy phép”, nên rất cần xác định tính chính danh của ví GrabPay by Moca.
Như một mạng xã hội
Sau 1 năm ra mắt Grab Food tại Việt Nam, ứng dụng Grab trên điện thoại di động ban đầu là vận tải (GrabTaxi, GrabCar và GrabBike), nay đã mở rộng rất nhanh hệ sinh thái dịch vụ sang giao nhận với GrabExpress, GrabFood, Grab khách sạn… Không chỉ vậy, hiện trên giao diện ứng dụng của Grab, người dùng còn dễ dàng tìm thấy nhiều dịch vụ mới như: GrabRewards (dùng điểm Grab để quy đổi thành thẻ cào điện thoại, thẻ game, các sản phẩm ăn uống, tiêu dùng); Grab game giải trí (hiển thị các game mini); Grab trending daily (tổng hợp tin tức đang “hot” hàng ngày); Grabtv (hiện tại là kênh YouTube của Grab, đăng tải các clip quảng cáo của Grab)…
Với các tính năng mới này, Grab có cả “hệ sinh thái”, giống như một mạng xã hội của cộng đồng sử dụng dịch vụ của Grab, khác rất nhiều với xuất phát điểm chỉ là một ứng dụng đặt xe. Như vậy đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần có hướng quản lý khác dành cho Grab, chứ không thể nhìn Grab đơn thuần là ứng dụng đặt xe. Như việc tích hợp game vào ứng dụng Grab cần phải có giấy phép của Bộ TT-TT, đó là chưa nói ứng dụng được tích hợp có thể phát sinh doanh thu quảng cáo, nên sẽ phát sinh nghĩa vụ đóng thuế của Grab; hay khuyến mãi 40% cho nạp thẻ điện thoại cũng vượt quá quy định 20% áp dụng cho các nhà mạng hiện nay…
Với những hình thức kinh doanh mới xuất hiện, sự lúng túng trong quản lý không thể tránh khỏi (như Google, Facebook), một phần do hành lang pháp lý không theo kịp trước sự thâm nhập quá nhanh, quá sâu của các mạng xã hội này vào đời sống. Nay với sự “nở nồi” của Grab, nếu chúng ta không có cách nhìn thấu đáo, hành lang pháp lý đầy đủ thì e rằng tình trạng lúng túng kia sẽ tái diễn và mất mát cũng thuộc về chúng ta.
Nhiều thông tin cho rằng, Grab có thể dần mua lại Moca, nếu vậy sẽ đặt thêm vấn đề cho cơ quan quản lý trong kiểm soát các ví điện tử mà sở hữu nước ngoài đã vượt quá 50%. Với Grab, một doanh nghiệp nước ngoài hoạt động xuyên biên giới, dòng tiền luân chuyển qua GrabPay by Moca sẽ được kiểm soát, giám sát thế nào để đảm bảo an ninh tiền tệ và không thất thu thuế, cũng là câu hỏi dành cho cơ quan chức năng. |