Theo Tiến sĩ Hà Quang Khải, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết: ĐBSCL khai thác khoảng hơn 2.000.000m3 nước ngầm mỗi ngày (chưa kể trữ lượng khai thác từ các giếng khoan hộ gia đình). Có thể thấy, tài nguyên nước ngầm đóng vai quan trọng đối với vùng. Tuy nhiên, nước ngầm tại ĐBSCL rất dễ bị tác động do biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, đặc biệt trong mùa khô (lượng mưa trong vùng rất ít) nên sự phụ thuộc vào nước ngầm càng lớn.
Sự phát triển của dân số, cũng như quá trình phát triển của các khu công nghiệp, đô thị hóa đã khiến nhu cầu sử dụng nước ngầm càng lớn. Từ đó, dẫn đến việc khai thác nước ngầm quá mức, kéo theo tình trạng sụp lún càng thêm tồi tệ.
Tiêu biểu, tại TP Cần Thơ, theo khảo sát của InSAR, từ năm 2015-2019, TP Cần Thơ là điểm nóng về sụt lún với tốc độ vượt 5cm/năm ở hầu hết các khu vực.
Để kiểm soát và khai thác nước ngầm hiệu quả, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2018-NĐ-CP (ngày 26-12-2018) quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, thế nhưng trên thực tế quản lý vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận chỉ ra hàng loạt các vấn đề vướng mắc về quản lý khai thác nước ngầm như: nguồn nhân lực có chuyên môn về nước ngầm còn rất ít; chưa có thông tin đầy đủ về khảo sát, đánh giá quy mô, trữ lượng nước ngầm; cơ sở, bằng chứng khoa học về những tác động tiêu cực xuất phát từ suy giảm nước ngầm vẫn còn hạn chế; người dân, doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức hết tầm quan trọng của nước ngầm...
Ngoài ra, việc quản lý các giếng khoan tự phát của người dân gặp nhiều khó khăn; quy định chế tài xử lý vi phạm chưa triệt để; việc xây dựng khu vực hạn chế khai thác nước ngầm gặp nhiều khó khăn về kinh phí, kỹ thuật; nhiều địa phương chưa có quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước; chưa có sự liên kết, đồng bộ giữa các địa phương trong vùng về việc quản lý tài nguyên nước ngầm....