Sáng 13-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe các tờ trình, báo cáo về dự án Luật Chăn nuôi.
Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này cho biết, dự thảo Luật gồm 8 Chương, 65 Điều, bao quát tương đối toàn diện hoạt động chăn nuôi từ khâu quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đến quản lý cơ sở chăn nuôi, bảo vệ môi trường chăn nuôi, quản lý chăn nuôi động vật bán hoang dã, động vật cảnh.
Qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) tán thành việc ban hành Luật Chăn nuôi để đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hiện đại, theo chuỗi, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường…
Đáng lưu ý, Thường trực Ủy ban KHCNMT nhận thấy nội dung về “đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương và các đặc sản vùng, miền” chưa được thể chế hóa đầy đủ trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng hoạt động mua bán, bảo quản, chế biến sản phẩm chăn nuôi là một khâu quan trọng để nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhưng cũng chưa được quy định trong dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị để khắc phục các tồn tại, hạn chế của ngành chăn nuôi hiện nay, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về “Chiến lược phát triển chăn nuôi”; làm sâu sắc hơn nội dung về nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới để tranh thủ được tiến bộ kỹ thuật, phù hợp với Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ.
Tránh phát sinh thủ tục hành chính trong kiểm tra thức ăn chăn nuôi
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Phan Xuân Dũng cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với việc cần có quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi trong luật này, song đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định về kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu trong dự thảo Luật, tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà cho doanh nghiệp; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Theo đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh sửa quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi; rà soát, chỉnh sửa quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng thức ăn chăn nuôi cho rõ ràng và phù hợp với thực tế hơn.
Ở một nội dung có liên quan là khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, Thường trực Ủy ban KHCNMT đề nghị Ban soạn thảo phân biệt rõ các hoạt động khảo nghiệm phục vụ quản lý nhà nước, phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quy định việc quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi theo hướng hậu kiểm; bổ sung quy định về sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp hoặc thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng cho người sang làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Đặc biệt, liên quan đến việc quản lý kháng sinh, hóa chất trong thức ăn chăn nuôi, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo quy định về quản lý kháng sinh, hóa chất trong thức ăn chăn nuôi theo hướng: quản lý ngưỡng tồn dư trong thức ăn chăn nuôi thay cho việc quản lý bằng danh mục chất cấm, chất được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi để phù hợp với pháp luật về thú y.