Trong những ngày đầu năm này, câu chuyện xây dựng dự thảo cho một nghị định mới về quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn lại một lần nữa khiến dư luận phải ồn ào. Phải chăng quản lý nghệ thuật biểu diễn vẫn không thoát khỏi tình trạng “đẽo cày giữa đường”?
Xóa bỏ khái niệm về cấp phép phổ biến ca khúc
Chia sẻ với báo chí, NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), cho biết hiện có 2 nghị định điều chỉnh hoạt động biểu diễn là Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định 15/2016/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP. Tuy nhiên, 2 nghị định này vẫn còn nhiều hạn chế, mới chỉ quy định về thủ tục cấp phép, kinh doanh biểu diễn (mà 2 vấn đề này chỉ là một mảng nhỏ của hoạt động biểu diễn hiện nay).
Chính vì vậy, Bộ VH-TT-DL đang xin Chính phủ chủ trương xây dựng nghị định mới về quản lý biểu diễn. Dự kiến, đưa vào dự thảo nghị định này các quy định về chính sách phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn, trong đó có nội dung quan trọng được rất nhiều người quan tâm là thay đổi cách cấp phép tổ chức biểu diễn.
Cụ thể, một trong những nội dung mới được cân nhắc đưa ra xin ý kiến là vấn đề cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt định cư tại nước ngoài đã từng tạo ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận thời gian qua.
Thay vì việc kiểm duyệt và cấp phép từng ca khúc trong đối tượng này thì sẽ đưa ra các tiêu chí cấm đối với ca khúc, có nghĩa là bất kể bài hát nào, không xét thời gian sáng tác, mà phạm vào các tiêu chí này sẽ không được biểu diễn.
Ví dụ quy định các sản phẩm có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ tổ chức, cá nhân, đi ngược lại lợi ích quần chúng, sẽ không được sử dụng dưới mọi hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng...
Dĩ nhiên, khi đưa quy định này lấy ý kiến của các cơ quan quản lý địa phương, doanh nghiệp kinh doanh văn hóa, phần đông đều đồng ý. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ cho rằng nên cân nhắc vì lo ngại lỡ xảy ra vấn đề xấu nếu không được cấp phép, kiểm duyệt.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, quy định mới phù hợp hơn với thực tế, vì như vậy người dân và doanh nghiệp không cần phụ thuộc việc chờ xin - cho, ngược lại được quyền tự lựa chọn.
Cục dự kiến đưa ra danh mục bài hát được phép công bố, tuy nhiên cũng không “thoáng” hơn việc cấp phép là bao. Hơn nữa lại khó khả thi do số lượng ca khúc ngày càng nhiều, cục không đủ nhân lực thực hiện.
“Vì vậy, cục chỉ có thể ban hành quy định thôi, nếu được chấp thuận các đơn vị quản lý nhà nước sẽ căn cứ các quy định này để quản lý, không riêng bài hát, kể cả lĩnh vực múa, sản phẩm biểu diễn trước công chúng”, NSND Nguyễn Quang Vinh nói.
Trao quyền nhiều hơn cho các địa phương
Một điểm quan trọng nữa sẽ được đưa vào quy định trong nghị định mới, là Bộ VH-TT-DL sẽ tăng quyền hạn và trách nhiệm cho các địa phương trong việc quản lý. Tức là các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương sẽ có quyền chủ động cấp hoặc từ chối cho phép ca khúc nào đó được biểu diễn trong một chương trình nào đó, phù hợp với không gian, bối cảnh, địa điểm.
Việc đưa thêm quy định này vào dù được cho là một bước tiến mới trong tư duy của nhà quản lý, tuy nhiên cũng không ít chuyên gia cho rằng giao quyền cho các địa phương là điều vừa mừng vừa lo.
Lo là bởi năng lực thẩm định của mỗi địa phương, bởi những khái niệm đưa ra trong lĩnh vực nghệ thuật thường không chi tiết, cụ thể và có thể hiểu ở nhiều khía cạnh khác nhau: “Như thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục? Mức độ thế nào thì bị xét là thô tục, hở hang…”. Thậm chí, việc trao nhiều quyền hơn cũng dẫn tới chuyện bài hát hoặc chương trình đến tỉnh A được cấp phép nhưng nơi khác thì không…
Chia sẻ về những tình huống này, ông Nguyễn Quang Vinh cũng cho rằng, đúng là không thể bài hát được cấp phép thì hát ở đâu cũng được, vì còn phụ thuộc vào tính chất văn hóa của không gian biểu diễn, của mỗi địa phương.
Ví như mặc bikini ở bãi biển hoặc trong chương trình thi nhan sắc và truyền hình trực tiếp thì được, nhưng mặc trang phục này mà đi tới các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng tôn giáo chẳng hạn, thì quyết là không chấp nhận.
“Chúng tôi đã tính đến điều này, nhưng vì tính chất văn hóa vùng miền nên mình phải tôn trọng, kể cả không gian, thời gian biểu diễn cũng phải được chú ý. Có thể có những tiêu cực xảy ra, chúng ta không bao giờ khẳng định không có rủi ro. Cũng có thể có nơi nào đó gây khó dễ, việc này chúng ta có thể xử lý được. Nghị định không nên hướng tới một hành vi tiêu cực có thể xảy ra, mà nên hướng tới những cái mang tầm phổ quát”, ông Nguyễn Quang Vinh nói.
Cùng đó, lãnh đạo Cục NTBD cũng cho rằng, năng lực của cán bộ địa phương có thể làm được những việc như vậy. Nếu chưa thì họ phải tự rèn luyện, học tập để có thể đáp ứng yêu cầu đặt ra của công việc.
Cục NTBD cũng mong muốn hướng tới quy định để cấp phép trực tiếp cho nghệ sĩ hải ngoại về nước. Cục cấp phép trực tiếp cho nghệ sĩ, tuy nhiên không có nghĩa nghệ sĩ đi đâu hát cũng được. Cục không cấp phép loạt bài hát cho nghệ sĩ nữa, thay vào đó, các đơn vị tổ chức đứng ra biểu diễn ở địa phương nào, xin phép danh mục phù hợp ở từng địa phương, chịu trách nhiệm về ca sĩ và chương trình. Cục giao quyền cho địa phương, tổ chức và đạo diễn, nên không có chuyện buông lỏng hoàn toàn.
Cởi mở đối với các cuộc thi nhan sắc…
Năm 2008, tức là chỉ 2 năm khi Quy chế tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp ban hành lần đầu tiên, để ngăn ngừa việc các ngành, các tỉnh… đua nhau tổ chức các cuộc thi sắc đẹp lớn nhỏ, cơ quan quản lý đã đưa ra quy định một năm chỉ có duy nhất một cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia.
Dần dà, số lượng cuộc thi nhan sắc được “vận dụng” các yếu tố quốc tế nên đã nới ra là 3 cuộc/năm, tức là có 3 hoa hậu/năm… Tới đây, nếu sửa đổi tiếp, có lẽ hoạt động này lại trở về thuở ban đầu là không còn “rào cản” với nhan sắc nữa.
Cụ thể hơn, lãnh đạo Cục NTBD cho biết, Nhà nước có chính sách khuyến khích các thành phần xã hội, tổ chức cá nhân tích cực tham gia hoạt động biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu theo quy định pháp luật. Do đây là hoạt động xã hội không sử dụng ngân sách nhà nước nên cục không cấm nếu họ không vi phạm.
Tuy nhiên, cục dự kiến đưa ra quy định, định mức kỹ thuật để địa phương, cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để điều hành. Các cuộc thi nhỏ phân cấp cho địa phương, vùng miền, Bộ VH-TT-DL cấp phép và quản lý cuộc thi tầm quốc gia.
Hướng sắp tới sẽ không còn khái niệm về thi “chui” trong các cuộc thi sắc đẹp. Bởi lẽ, nhiều khả năng cũng bỏ việc cấp phép cho thí sinh ra nước ngoài thi nhan sắc quốc tế. Hầu hết các cuộc thi đều có tiêu chí riêng, đối tượng tham gia phải đúng tiêu chí cuộc thi.
Cục hướng tới bỏ quy định không cần điều kiện về danh hiệu tốp 3, tốp 5 hay tốp 10 mới được tham dự.
Như thế đồng nghĩa với việc, công dân có điều kiện theo yêu cầu cuộc thi, được phép tham gia. Nghị định mới theo tinh thần tăng quyền hưởng thụ, tham gia cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi bằng phân cấp quản lý.
Bên cạnh xây dựng các quy định cấp phép trong nghị định biểu diễn mới, cục hướng tới xây dựng chính sách dành cho nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật trong bối cảnh mới. Chính sách mới này sẽ là hành lang thống nhất trên toàn quốc, để địa phương thuận lợi hơn khi áp dụng chính sách đầu tư, ưu đãi cho các mảng nghệ thuật truyền thống, sắp xếp lại chuyên nghiệp hơn các cuộc thi, liên hoan…
Lãnh đạo Cục NTBD cũng nhấn mạnh, đây mới là những điểm dự tính sẽ đưa ra lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự thảo. Khi nào bộ trình dự thảo và được Chính phủ phê duyệt mới chính thức có giá trị thay thế nghị định cũ, vì vậy trong quá trình soạn thảo, nghị định cũ vẫn có hiệu lực. Vì thế mọi thay đổi thực sự ra sao vẫn cần thời gian đợi. |