6 năm xuất hiện tại Việt Nam, trò chơi điện tử trực tuyến - game online (GO) đã dần trở thành một xã hội ảo có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống thật của nhiều người dân, trong đó chủ yếu là giới trẻ. Với số lượng người trực tiếp chơi, gián tiếp chịu ảnh hưởng ngày càng tăng, xã hội ảo của GO đang ngày càng ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống.
Mức độ gây nghiện và tác hại của GO không thua gì thuốc lá, bia, rượu, ma túy nên đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý, xử lý thật chặt và nghiêm. Trong khi đó, việc quản lý GO hiện nay lỏng lẻo và bất cập. Để hiến kế, góp phần quản lý GO, Báo SGGP mở diễn đàn " Quản lý game online - Cách nào?". Rất mong nhận được ý kiến đóng góp trên diễn đàn của quý bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Mời bạn click vào đây để tham gia thảo luận
Quản lý game online: Phải cấm bạo lực, khiêu dâm, cờ bạc...
Trong bài “Xây dựng môi trường văn hóa trong game online” của Báo SGGP ngày 14-6-2010 cho thấy một số vấn đề về quản lý game online (GO) còn nhiều bất cập, nếu không nói là chưa giải quyết được cốt lõi của GO.
Ông Chu Hòa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử, cho biết: Năm 2009, tiền thuế thu được từ GO là 20 triệu USD (ước hơn 370 tỷ đồng). Chỉ với 17 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GO mà đã mang lại nguồn thu to lớn thư thế, thử hỏi ai nỡ từ bỏ việc kinh doanh GO?
Trước đây, buổi sáng đọc các báo thấy đang mở diễn đàn về tác hại của GO đối với giới trẻ thì cùng ngày, tôi lại thấy truyền hình có chương trình quảng cáo GO mới, với trò chơi bắn súng bạo lực. Rồi trên truyền hình có cuộc phỏng vấn nhà kinh doanh GO, chỉ thấy ông giám đốc công ty cung cấp dịch vụ nói lời bảo vệ nhà kinh doanh còn với người chơi thì tùy, không cấm được, bởi đó là quyền quyết định của người chơi.
Báo chí góp phần định hướng người xem, người nghe mà còn tréo ngoe như thế thì nói gì đến việc tranh luận trên diễn đàn. Có lẽ, tất cả do lợi nhuận thu được từ GO quá lớn nên ít người nghĩ đến mặt tác hại của nó. Mà điều này quá rõ khi nhiều thanh thiếu niên có hành vi vi phạm pháp luật như giết người chỉ để có tiền chơi GO hay nhiều hành vi băng hoại đạo đức khác. Có đại biểu Quốc hội ví việc nghiện GO như nghiện ma túy. Thật đáng suy ngẫm.
Vừa rồi có chị bạn ở Long An nhờ tôi tìm giúp nơi để gửi con trai chị (đang học đại học năm thứ hai ở TPHCM) đi cai nghiệm GO. Cháu mê đến mức nói với cha mẹ là không muốn học nữa và hàng ngày ngồi lì ở tiệm internet. GO rõ ràng có sức gây nghiện mạnh đối với thanh thiếu niên, bởi tuổi các em chưa có ý chí mạnh mẽ để vượt qua cám dỗ của GO.
Theo tôi, quản lý GO trước hết chúng ta phải quản lý phần ngọn, tức không cho kinh doanh GO bạo lực, khiêu dâm, cờ bạc đỏ đen. Đừng vì sợ ta không khai thác thì nước ngoài sẽ chiếm lĩnh và mất đi nguồn thu. Nếu nguồn thu ấy hại cho con cháu ta thì có mất một chút thuế cũng không tiếc.
Vì vậy, đừng vì số tiền thuế thu về từ GO mà chúng ta cứ cho phát triển GO bạo lực (theo thống kê chiếm tới 75% GO) để rồi quản lý bằng hạn chế giờ chơi, lại bị đại lý internet lách luật và không triệt được phần gốc của GO.
Thứ hai, quản lý GO phải bắt đầu từ gia đình, các bậc cha mẹ cũng cần biết chút ít về GO, mới hiểu mà có biện pháp dạy con trẻ. Không thể chỉ giao phó việc dạy dỗ con trẻ cho nhà trường, bởi dù thời gian của các em phần lớn ở trường nhưng muốn chơi GO lại phải có tiền của cha mẹ cho.
Nhiều bậc phụ huynh do bận mưu sinh, ít có thời gian gần gũi, chăm sóc các em nên cứ nghĩ đưa cho trẻ nhiều tiền để bù đắp hay cho trẻ nhiều tiền để bằng anh bằng em. Nhưng có nhiều tiền, nhiều em chỉ biết sa vào GO, một trò chơi được xã hội công nhận và hấp dẫn với các em. Do đó, quản lý tiền bạc chặt chẽ là điều cần làm.
Bên cạnh đó, cần hướng cho các em tham gia những giải trí lành mạnh như: học kỳ trong quân đội, đi du khảo vùng sâu vùng xa, về vùng kháng chiến cũ hay khu di tích lịch sử… giúp các em mở rộng hiểu biết và yêu quý cuộc sống hơn.
Về phía nhà trường, cần khuyên bảo các em, phối hợp với phụ huynh quản lý thời gian học tập, quan tâm tìm hiểu và phát hiện những trẻ có biểu hiện bất thường như sức học đột ngột bị sút kém thì báo ngay cho phụ huynh biết. Ngoài ra, nhà trường cần có biện pháp nghiêm khắc giúp trẻ nhận thấy sai trái của mình mà sửa chữa.
Lê Tăng Định
Giải trí hè - Tràn lan trò chơi gợi dục
Hè năm nay, các trò chơi trực tuyến (game online) cổ trang, kiếm hiệp đã nhường lại vị trí độc tôn cho các game khiêu dâm, gợi dục. Từ các trang mạng xã hội, web tải game cho đến các cửa hàng băng đĩa, tất cả đều tràn ngập loại game này.
Chơi công khai
Tối 12-6, có mặt tại hai điểm Internet trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), chúng tôi thấy có rất nhiều em nhỏ dán mắt vào màn hình vi tính với những cảnh phụ nữ ăn mặc hở hang, nhún nhảy ở nhiều tư thế rất khêu gợi. Vừa say sưa điều khiển các động tác nhảy múa của nhân vật nữ trong game, các em vừa không ngớt bình luận, tiếng cười trêu chọc nhau vang cả góc phòng. Minh Trung, học sinh lớp 8 của một trường trung học, chia sẻ: “Game khiêu vũ này nhẹ hều, nhiều game khác còn “nặng đô” hơn. Chơi Võ Lâm Truyền Kỳ hoài cũng chán, mấy trò này tuy đơn giản nhưng hấp dẫn tụi em hơn”.
Trung cho biết, loại game này được gọi tắt là “game mát”, trong đó, tùy theo cấp độ nặng nhẹ của người chơi, nhân vật chính trong game sẽ ăn mặc “mát mẻ” ở mức độ tương ứng. Nhẹ thì có các game flash (trò chơi hoạt hình) với các trò pocker, xếp hình, rắn săn mồi, bắn trứng... Ở các game này, nhân vật nữ thường ăn mặc hở hang, thường có động tác khoe đồ lót, nhún nhảy, uốn éo ở nhiều tư thế “đỏ con mắt bên trái, xốn con mắt bên phải”. Sau mỗi lần người chơi ghi điểm, phần thưởng là quyền được cởi quần áo một cô người mẫu xinh đẹp nào đó, chơi càng lâu sẽ được cởi càng nhiều.
Do tính chất đơn giản của trò chơi, các tư thế và hành động của nhân vật đã được lập trình sẵn nên chơi loại game này chủ yếu là các em học sinh cấp 1 hoặc đầu cấp 2. Tuy nhiên, ở mức độ nặng hơn, một số game còn dùng công nghệ 3D (hình ảnh 3 chiều, âm thanh sống động như thật) như các trò “Bóng chuyền bãi biển”, Xapelay... Đối với các loại game này, người chơi có thể thoải mải dùng búa đập vào “chỗ kín” của nhân vật hoặc điều khiển các nhân vật vô tư làm “chuyện người lớn” ở bất cứ đâu mình muốn, từ ga xe lửa, nhà sách, công viên đến quán ăn, khách sạn. Các nhân vật nữ được thiết kế rất khêu gợi từ hình thể, trang phục đến tư thế, hành động.
Điều đáng nói là hiện nay, các loại game độc hại này đang được bày bán và chào mời công khai ở các nơi công cộng, không thấy vai trò quản lý và kiểm duyệt nội dung của các cơ quan chức năng. Nhiều cửa hàng Internet dùng loại trò chơi như một chiêu hút khách, cửa hàng nào càng sưu tập được nhiều “game mát” càng không lo ế khách. Còn trên các diễn đàn và trang web cá nhân (facebook), xuất hiện nhan nhản những lời chào mời, rủ rê, thậm chí còn cung cấp cả đường link để người tham gia có thể dễ dàng tải các trò chơi mát mẻ này về. Riêng ở một số khu bán băng đĩa trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Pasteur (quận 1), Nguyễn Chí Thanh (quận 5), các “game mát” cũng được bày bán công khai với giá 20.000 đồng/đĩa.
Hại khôn lường
Vài năm trở lại đây, thị trường game online Việt
Việc tiếp xúc thường xuyên với các loại game tươi mát sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của các em, tạo ra những nhận thức sai lầm, lệch lạc về giới tính. Ngoài ra, theo một chuyên gia tâm lý, những người nghiện hay lạm dụng game khiêu dâm quá mức còn bị ảnh hưởng về hành vi giới tính, rối loạn các chức năng tình dục. Từ đó dễ dẫn đến nguy cơ đồng giới giả, thủ dâm không kiểm soát, loạn dục với đồ vật, bạo dâm, cưỡng hiếp..., một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thanh thiếu niên phạm tội hình sự ngày càng tăng.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn sự lan rộng và phổ biến các trò chơi khiêu dâm độc hại này, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ ba phía: gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, bố mẹ phải thường xuyên quan tâm, nhắc nhở con mình tránh xa các trò chơi giải trí không lành mạnh, tạo điều kiện để các em tham gia các sinh hoạt hè bổ ích, tăng cường sức khỏe và phát triển trí lực như các hoạt động thể thao, học năng khiếu võ thuật, nhạc, họa, cờ vua, cờ tướng...
Về phía các tổ chức Đoàn, hội trong nhà trường, cần tổ chức các hoạt động phong trào về nguồn “học mà chơi, chơi mà học”, đồng thời tuyên truyền tác hại của các trò chơi game online trực tuyến, định hướng các em truy cập các trang web có nội dung lành mạnh. Về phía các cơ quan quản lý, cần siết chặt nội dung để tránh việc truyền bá của loại hình giải trí độc hại này. Chỉ khi nào có sự quyết tâm, đồng lòng từ cả ba phía, game online mới không gây những tác động xấu đến xã hội được.
THU TÂM
Hàn Quốc và cuộc chiến chống nghiện game online
Hơn 2 triệu người trong tổng số 49 triệu dân của Hàn Quốc nghiện Internet. Một tỷ lệ không nhỏ, đặc biệt, có tới 7% học sinh nghiện trò chơi trực tuyến (game online).
Hồi tháng 3, xã hội Hàn Quốc rúng động khi báo chí đưa tin một cặp vợ chồng trẻ đã bỏ đói đứa con mới 3 tháng tuổi để theo đuổi trò chơi nuôi con ảo trên mạng khi dành gần hết thời gian tại các tiệm cà phê Internet. Cảnh sát cho biết đứa bé như thể “xác ướp” vì bị bỏ đói quá lâu.
Trước đó, vào tháng 2, một thanh niên 22 tuổi cũng đã dùng dùi cui đánh mẹ đến chết vì bị mẹ mắng do chơi game online. Sau đó y còn dùng thẻ tín dụng của người mẹ xấu số tiếp tục chơi game trong nhiều giờ.
Hai sự kiện trên như hồi chuông báo động những nhà quản lý Hàn Quốc, gây sức ép về các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng nghiện game online. Hãng tin AP dẫn lời tiến sĩ Park Hye-kyung, Giám đốc Trung tâm tư vấn “I Will Center” chuyên trị chứng nghiện Internet cho biết, điều kiện tiếp cận Internet tại Hàn Quốc quá dễ dàng là một trong những nguyên nhân chính gây nghiện game online.
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, hơn 90% các hộ tại nước này đều có đường truyền Internet băng thông rộng tại nhà, các quán cà phê Internet mở cửa 24/24. Theo tiến sĩ Kim, ở Hàn Quốc thật dễ dàng để người ta chơi game online hơn là tập trung vào những mối quan hệ cá nhân thông qua những cuộc gặp mặt trực tiếp. Trẻ em mới lên lớp 4 đã có thể chơi game online.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hàn Quốc đầu tháng 4 đã phối hợp với các công ty sản xuất game online đưa ra chương trình “tắt máy giữa đêm” nhắm vào những game thủ dưới 18 tuổi. Bằng các biện pháp kỹ thuật, đến giữa đêm, các máy tính đang chạy trò chơi game online sẽ tự động không cho game thủ tiếp tục chơi cho đến 8 giờ sáng hôm sau (giờ lên lớp).
Biện pháp này sẽ được áp dụng vào tháng 9, bước đầu với 3 trò chơi phổ biến nhất sau đó sẽ mở rộng thêm. Ngoài ra, những nhà quản lý Hàn Quốc cũng buộc các công ty cung cấp game online buộc người sử dụng phải cung cấp số chứng minh (trong đó cho biết độ tuổi) cũng như cho phép các bậc phụ huynh kiểm tra con em họ xem có dùng đúng số chứng minh của chúng để chơi hay không.
Mặt khác, Bộ VH-TT-DL lên kế hoạch cài hệ thống cảnh báo vào các trò chơi. Nếu game thủ chơi quá thời hạn, chương trình sẽ tự chạy chậm lại hoặc khó hơn làm cho các game thủ nản chí. Song song đó, chính phủ khuyến khích các bậc phụ huynh tải hàng loạt các chương trình hạn chế truy cập Internet để hạn chế con em họ lạm dụng Internet.
Hiện còn quá sớm để có thể đánh giá các biện pháp trên đây có thành công hay không. Nhiều ý kiến tại Hàn Quốc cho rằng các biện pháp của chính phủ cho tới nay là chưa đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng nghiện game online chỉ vì ngành công nghiệp chế tạo game online đang “ăn nên làm ra”. Năm 2009, doanh thu của ngành này đạt 3,41 ngàn tỷ won (3 tỷ USD).
Cũng có ý kiến cho rằng, các game thủ rồi cũng sẽ có cách vượt qua các hạn chế về kỹ thuật để tiếp tục bỏ học, bỏ ăn và thậm chí bỏ việc để dồn sức cho game online.
Vũ Minh