Theo thống kê từ Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS, làm việc trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động độc lập. Thế nhưng chỉ có chừng 10%, tức khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề, số còn lại hoạt động tự do. Số người hoạt động môi giới BĐS có chứng chỉ hành nghề chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TPHCM. Riêng đội ngũ môi giới BĐS ở TPHCM chỉ có khoảng phân nửa là nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn giao dịch, còn lại là “cò” nghiệp dư, dân tay ngang - “nhảy vào” khi thị trường địa ốc tăng nóng, thậm chí có những người... không biết làm gì thì đi làm “cò”!
Nhớ lại thời điểm 2017-2021, lúc thị trường địa ốc xuất hiện những đợt “sốt đất”, nhiều lao động từ các ngành nghề khác, từ giáo viên, kỹ sư, nhân viên hành chính đến y, bác sĩ “ào ào” tham gia vào môi giới BĐS. Việc môi giới địa ốc trở nên hỗn loạn.
Đến nay, luật chưa bắt buộc các cá nhân này có trách nhiệm phải báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động của mình. Họ có 2 xu hướng hoạt động: Ăn theo các sàn giao dịch BĐS để lấy thông tin, làm cộng tác viên hoặc môi giới thứ cấp; tự đi khai khác nguồn thông tin sản phẩm nhà, đất có nhu cầu bán để môi giới cho khách hàng có nhu cầu mua. Vì thế, những người này thường không có trách nhiệm với khách hàng về các sản phẩm môi giới. Không những thế, chế tài xử lý vi phạm đối với hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề còn quá nhẹ (phạt hành chính 10-50 triệu đồng) so với hậu quả khi xảy ra sai phạm, dẫn đến việc người môi giới không coi trọng việc phải có chứng chỉ.
Theo ghi nhận, 2 lần sửa Luật Kinh doanh BĐS đều khẳng định môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề. Đến thời điểm này, dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) quy định chặt chẽ hơn, không cho môi giới hoạt động tự do mà phải dưới sự giám sát của sàn giao dịch. Trước đây, cơ quan Nhà nước quản lý chưa chặt, người môi giới được cấp chứng chỉ xong nhưng sau đó đi đâu, làm gì không báo cáo ai và không ai giám sát. Nay, sàn giao dịch địa ốc phải chịu trách nhiệm với môi giới. Các môi giới sau khi có chứng chỉ, hoạt động ở đâu, giao dịch cái gì đều xuất hiện trên hệ thống quản lý. Điều này rất đúng và trúng.
Một vấn đề khác cần lưu ý là cơ quan chức năng nên quy định môi giới làm việc qua phòng công chứng phải để lại mã số hành nghề. Hiện nay, giao dịch mua bán diễn ra tại phòng công chứng xuất hiện 3 bên trên văn bản, gồm bên mua, bên bán, phòng công chứng, trong khi môi giới có vai trò liên quan mật thiết nhưng lại không có thông tin, dấu vết. Việc cấp mã số hành nghề cho môi giới và để lại mã số ở mỗi giao dịch bắt buộc có thể theo dõi được thu nhập phát sinh của người hành nghề. Đây cũng là căn cứ để cơ quan Nhà nước thuận tiện hơn trong quản lý thuế thu nhập cá nhân, hạn chế tình trạng lách thuế, tình trạng lừa đảo của những đối tượng môi giới bất lương. Mã số này sẽ giúp gia tăng sự minh bạch và bảo đảm quyền lợi khách hàng trong mỗi hoạt động giao dịch địa ốc.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 22-5 tới, dự kiến dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến, và tới kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10-2023, dự kiến thông qua. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của luật hiện hành về kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tính minh bạch cao; phát huy được vai trò, chức năng của đội ngũ môi giới, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của các môi giới viên. Cũng từ đây, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ kiểm soát tốt hơn thị trường, góp phần khắc phục hiện tượng “sốt ảo”, “bong bóng” BĐS do các đối tượng môi giới bất lương gây ra.