Không thể phủ nhận những điểm mới, tiến bộ của dự thảo lần này, như: giáo viên được phép dạy thêm học sinh chính khóa của mình; tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường học có thể tham gia dạy thêm, với điều kiện có sự đồng ý của cơ quan quản lý cấp trên theo quy định… Đây là lần đầu tiên việc dạy thêm, học thêm được thừa nhận công khai, đồng thời mở rộng cả 2 nhóm đối tượng tổ chức dạy thêm và tham gia học thêm. Sau khi danh chính ngôn thuận có “danh phận”, điều khiến dư luận quan tâm là yêu cầu về công tác quản lý, tuy nhiên điều này còn nhiều lỗ hổng trong dự thảo quy định.
Theo hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn TPHCM, quy định giáo viên phải lập danh sách học sinh tham gia học thêm để báo cáo người đứng đầu đơn vị trường học sẽ không giúp quản lý hoạt động này trở nên hiệu quả hơn. Trên thực tế, việc này chỉ mang ý nghĩa hình thức, đối phó, tăng thêm hồ sơ, sổ sách quản lý trong nhà trường. Thay vào đó, cần quy định cụ thể hơn về cách thức quản lý cũng như chế tài xử lý giáo viên dạy thêm không đúng quy định, giúp trường học có thêm công cụ quản lý, đồng thời nâng cao ý thức tự giác của bản thân người dạy.
Ngoài ra, quy định cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh được xem là “đã siết nhưng chưa chặt”, bởi chưa phù hợp với thực tế dạy thêm, học thêm hiện nay. Quy định nói trên được hiểu là giáo viên chỉ được tham gia dạy thêm ở cơ sở được cấp phép hoạt động, chứ không đứng ra tổ chức dạy thêm, học thêm dù với học sinh chính khóa hay các đối tượng học sinh bên ngoài.
Trên thực tế, phần lớn các lớp học thêm ngoài giờ hiện nay đều được giáo viên mở tại nhà hoặc thuê mướn mặt bằng tổ chức. Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế của học sinh là muốn học thêm thầy cô đang dạy ở trường chính khóa hoặc chọn thầy cô giỏi để học nâng cao kiến thức, chỉ một số ít em đăng ký học thêm ở các trung tâm. Như vậy, dự thảo một lần nữa không thừa nhận hình thức giáo viên tự tổ chức lớp học thêm tại nhà, dẫn đến lỗ hổng trong công tác quản lý và giám sát.
Nhiều giáo viên tham gia dạy thêm nêu ý kiến, quy định mới đã “mở cửa” đối với việc quản lý dạy thêm, học thêm ngoài trường học thì nên thừa nhận tất cả hình thức tổ chức, không nên nửa đóng nửa mở khiến việc quản lý vẫn “tranh tối, tranh sáng”, lợi bất cập hại cho cả người học lẫn người dạy. Cùng với đó, quy định “giáo viên không được sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh ở lớp” dù nhận được đồng tình của dư luận, song vẫn bị cho là không cần thiết; bởi phủ nhận vai trò của tổ chuyên môn trong trường học, đồng thời trùng lặp với yêu cầu “giáo viên cam kết không dùng bất cứ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm”.
Trước đó, Bộ GD-ĐT từng nhiều lần đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có đầy đủ cơ sở pháp lý nhằm quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động này nhưng chưa được chấp thuận. Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh quy định về quản lý dạy thêm, học thêm thay thế quy định của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành từ năm 2012 là cần thiết, song cần tránh yêu cầu hình thức trong công tác quản lý, thay vào đó là cần tăng cường vai trò giám sát của phụ huynh, học sinh thông qua các quy định chế tài xử lý cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính minh bạch, công bằng đối với hoạt động dạy học mang tính đặc thù này.