Đất vàng bỏ hoang, cho thuê giá rẻ
Hàng trăm ngàn m² đất liền kề nhau của doanh nghiệp nhà nước là Công ty Dệt may Thắng Lợi và Công ty Dệt Thành Công, nằm trên đường Tây Thạnh và Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.
"Việc quản lý đã được phân cấp về cho các quận, huyện, nên để lãng phí đất công trách nhiệm trước hết thuộc về đơn vị quản lý, sử dụng. Để đẩy nhanh tiến trình thu hồi nhà công, đất công sử dụng lãng phí, sai mục đích, các đơn vị có liên quan cần tiếp tục rà soát, kiểm tra tình trạng sử dụng nhà đất có nguồn gốc nhà nước, xác định trong số các khu đất được giao tạm quản lý có bao nhiêu trường hợp khu đất đang sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, từ đó đề xuất, trình TP phương án giải quyết dứt điểm, quyết liệt, không để kéo dài". - Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM
Theo quan sát của ĐTTC, hiện nay toàn bộ trụ sở của Công ty Thắng Lợi đã ngưng hoạt động, phía trước mặt tiền đường Trường Chinh được chia phần cho nhiều hãng xe như Thaco, Mercedes, Ford… thuê làm cửa hàng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ hậu mãi, phía sau các cửa hàng này là những đám cỏ cao tắp.
Theo tìm hiểu của ĐTTC, Công ty Dệt may Thắng Lợi đã từng có kế hoạch đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng để xây dựng khu dân cư hỗn hợp, trung tâm thương mại tại đây. Toàn bộ khu đất rộng hơn 150.000m², được công ty ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM.
Cách đây hơn năm, 1 doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP đã có kế hoạch hợp tác với Công ty Dệt may Thắng Lợi để phát triển dự án, nhưng sau đó vì nhiều lý do doanh nghiệp này rút lui không tham gia.
Tương tự, bên đường Tây Thạnh, trước đây Công ty Dệt Thành Công đã tổ chức khởi công dự án chung cư, nhưng sau đó chẳng thấy triển khai xây dựng, khu đất này bị bỏ trống từ đó đến nay. Một phần của dự án đã được làm bãi giữ xe ô tô, còn phần lớn khu đất bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm.
Tại buổi giám sát mới đây về tình hình quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn quận 6, báo cáo của UBND quận 6 với Đoàn giám sát HĐND TPHCM, cho thấy nhiều mặt bằng ở địa phương này đã có chủ trương bán đấu giá, nhưng quận vẫn chưa thu hồi được do đang cho thuê và bị chiếm dụng.
Cụ thể, khu đất công tại địa chỉ 353 An Dương Vương, phường 10, quận 6 có diện tích 4.266m², được cho tư nhân thuê từ năm 2003 để làm nhà xưởng. Giá thuê đất được tính theo bảng giá thuê do UBND TP ban hành năm… 1994. Hiện trạng của khu đất hiện nay có một mặt giáp với mặt tiền đường, nhưng giá thuê đất lại được tính theo tuyến hẻm. Cũng theo báo cáo của quận 6 còn khá nhiều nhà, đất công cho thuê đã hết hợp đồng, nhưng chậm thu hồi để bán đấu giá theo chỉ đạo của UBND TP.
Mặt tiền dự án “bánh vẽ” Khu phức hợp Thiên Thanh Sài Gòn Plaza tại Quận 10, với vị trí đắc địa tiếp giáp 4 mặt tiền đường Thành Thái, Tô Hiến Thành, Đồng Nai, Bắc Hải, bị cắt khúc để cho thuê kinh doanh.
Ảnh : Đ. KHẢI
Ảnh : Đ. KHẢI
Ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho biết từ năm 2017 đã có rất nhiều nhà, đất công tại quận 6 được UBND TP phê duyệt phương án cho bán đấu giá. Tuy nhiên đã hơn 1 năm nay, chưa có mặt bằng nào được thu hồi, gây lãng phí ngân sách, như mặt bằng tại địa chỉ 12 Cao Văn Lầu, 751/14 Hồng Bàng, 751 Lò Gốm, 361 Đặng Nguyên Cẩn, 215 Hậu Giang… Không chỉ cho thuê giá rẻ mạt trong thời gian dài, nhiều khu đất ở quận 6 còn bị bên thuê quỵt nợ.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 6, cho biết việc đấu giá đất công sẽ tạo nguồn vốn để địa phương tái đầu tư các chương trình an sinh xã hội của quận. Thời gian qua đã có tình trạng người thuê đất không trả tiền thuê đất, bỏ trốn nhưng địa phương cũng chưa có giải pháp nào khả thi.
Cụ thể 4 mặt bằng trên đường Hậu Giang, Ngô Nhân Tịnh, Chu Văn An, Mai Xuân Thưởng, đơn vị ký hợp đồng là Công ty Công ích quận 6 không thể đòi nợ vì con nợ đã bỏ trốn. Đại diện Công ty Công ích quận 6 cho biết đã hoàn thành xong việc cổ phần hóa, không còn được giao quản lý, giữ hộ và cho thuê kinh doanh các nhà, đất công nữa. Về số tiền nợ thuê đất của 4 mặt bằng nêu trên, đơn vị này cho hay vẫn còn treo.
Ngân sách thất thu
Không chỉ các trường hợp trên, ngay giữa trung tâm TP, nhiều khu nhà, đất công cũng đang bị bỏ hoang, tạo nên sự nhếch nhác và lãng phí ghê gớm. Như khu đất vàng tọa lạc tại số 104 Nguyễn Du (phường Bến Nghé, quận 1), có diện tích khuôn viên lên đến 560m² nằm ngay góc đường Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa đang bị bỏ hoang trong một thời gian dài.
"Từ năm 2017 đã có nhiều nhà, đất công được UBND TP phê duyệt phương án cho bán đấu giá, nhưng chưa có mặt bằng nào được thu hồi, gây lãng phí ngân sách. Vì thế, cần nhanh chóng đề xuất giải pháp đầu tư xây dựng hoặc bán đấu giá nhà, đất bỏ hoang. Bởi lẽ, đây là một nguồn lực rất lớn, nếu chậm khai thác hoặc khai thác không hiệu quả, sẽ gây lãng phí và tổn thất cho ngân sách TP."- Ông CAO THANH BÌNH, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách,HĐND TPHCM
Khu đất này được TP giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (SGC) quản lý. Từ năm 2012, nhà và đất tọa lạc tại địa chỉ này được cho 1 đơn vị thuê để làm sàn giao dịch kinh doanh bất động sản. Đến giữa năm 2017, khu đất này được SGC lấy lại và bỏ hoang phế đến nay.
Rõ ràng, việc quản lý, sử dụng và khai thác nguồn thu từ nhà, đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trên địa bàn TP chưa đạt hiệu quả cao, có nơi còn chưa chặt chẽ, chưa đúng quy định, gây lãng phí, thất thu cho ngân sách từ nguồn tài nguyên hạn hữu này.
Phổ biến nhất của tình trạng sử dụng đất còn gây lãng phí, thất thu ngân sách, là việc cho liên doanh liên kết không đúng quy định; cho thuê theo đơn giá đã lạc hậu so thực tế của TP; kê khai địa chỉ nhà đất chưa đầy đủ, nhiều địa chỉ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước bị lấn chiếm; công tác thu hồi nhà đất thuộc sở hữu nhà nước cho thuê gặp nhiều khó khăn khi TP có nhu cầu đầu tư các dự án công trình công cộng; việc sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước không đúng mục đích, cho thuê lại không đúng quy định…
Bên cạnh đó, nhiều dự án, công trình chậm triển khai thực hiện, nguyên nhân do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, phân luồng giao thông tại các công trường thi công; các phát sinh cần điều chỉnh trong quá trình thực hiện làm tăng tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. Vấn đề này đã được HĐND TPHCM lưu ý nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp giải quyết hiệu quả, căn cơ.
Một lãnh đạo HĐND TP cho biết, qua giám sát việc quản lý, sử dụng đất công tại một số quận, huyện vừa qua cho thấy, rất nhiều đất công, nhà xưởng thuộc sở hữu nhà nước đang bị quản lý, sử dụng lỏng lẻo. Qua đợt giám sát, HĐND TP sẽ đề nghị lãnh đạo UBND TP cần rà soát, chỉ đạo các quận, huyện khắc phục ngay tình trạng này để nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí như hiện nay. Theo đó, với những khu đất bị sử dụng sai mục đích, cần thiết phải mạnh tay thu hồi để bố trí cho các dịch vụ an sinh xã hội khác, hoặc bán đấu giá để tránh thất thu ngân sách.
Lại tiếp tục… rà soát, kiểm tra
Theo bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, huyện đang quản lý 602 địa chỉ với diện tích hơn 1.100ha, trong đó phần lớn được giao cho các xã quản lý (với 466 địa chỉ). Tình hình quản lý đất công tại các xã còn lỏng lẻo, một số nơi cho thuê giá rẻ, nhiều nơi bị người dân chiếm dụng từ nhiều năm trước.
Để tránh tình trạng lãng phí đất công do nhà nước quản lý, đối với các địa chỉ nhà đất nằm trong quy hoạch lộ giới, công viên cây xanh… để sử dụng hiệu quả, các nhà đất này cần điều chuyển cho Công ty Công ích huyện ký hợp đồng cho thuê ngắn hạn trong khi chờ quy hoạch.
Đối với những khu đất do nhà nước trực tiếp quản lý, có diện tích lớn như dự án khu Đại học Quốc tế với diện tích 868ha, trong đó Nhà nước trực tiếp quản lý 683ha, sẽ kiến nghị TP chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh triển khai dự án để tránh tình trạng lãng phí, người dân lấn chiếm. Tương tự, ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, kiến nghị UBND TP cho phép UBND huyện Nhà Bè được phép bán đấu giá các quỹ đất công trên địa bàn, được giữ lại toàn bộ số tiền bán đấu giá để đầu tư cơ sở hạ tầng và các dự án phúc lợi trên địa bàn huyện.
Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND quận 6 Nguyễn Minh Hùng, trên địa bàn quận hiện nay có 370 địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Trong đó có 237 nhà, đất thuộc khối hành chính, sự nghiệp do UBND TP giao cho quận và các đơn vị trực thuộc quản lý. Cạnh đó có 133 địa chỉ nhà, đất do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 6 tạm quản lý, giữ hộ và cho thuê kinh doanh.
Ngoài ra, quận 6 còn quản lý và ký hợp đồng thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm đối với 16 địa chỉ nhà, đất do UBND TP giao. Ông Hùng cho biết từ năm 2007 đến nay, quận 6 đã bán được 70 địa chỉ nhà, đất với tổng số tiền là hơn 382 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước.
Lý giải về việc chậm thu hồi, ông Hùng cho biết hầu hết các địa chỉ nhà, đất công nêu trên đều được xác lập quyền sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, còn 21 trường hợp bị chậm là do năm 2017 Chính phủ chỉ đạo tạm dừng thực hiện sắp xếp nhà đất theo Quyết định 09/2007 để ban hành văn bản thay thế. Do đó, quận tạm thời dừng việc ký hợp đồng cho thuê và hiện nay đang chuẩn bị các thủ tục để thực hiện theo Nghị định 167/2018 của Chính phủ thay thế Quyết định 09.
Tuy nhiên, hiện nay quận cũng không thể bỏ kinh phí rất lớn ra để sửa chữa các nhà, đất để cho thuê. Về việc thu nợ các hợp đồng thuê nhà đất, ông Hùng cho biết hiện nay quận đang phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các đối tượng thuê đất còn tài sản khác để cấn trừ. Trong trường hợp không thu hồi được, Công ty Công ích phải chịu trách nhiệm chi trả khoản nợ này.