Đảm bảo vệ sinh, ổn định thị trường
Theo Cục Chăn nuôi, năm 2016, tổng đàn heo toàn quốc có khoảng 29,1 triệu con (tăng 4,9% so với năm 2015), sản lượng đạt mức kỷ lục 3,6 triệu tấn.
Từ thời điểm giữa năm 2016 đến tháng 7-2017, thịt heo bị “khủng hoảng thừa”, rơi vào tình trạng phải “giải cứu” trên toàn quốc. Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là việc thiếu quy hoạch và định hướng thị trường, chưa tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, khâu đầu tư chế biến và xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng.
Do vậy, cần phải xây dựng mô hình quản lý thịt heo theo chuỗi, để hướng tới thị trường ổn định và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Thịt heo được giết mổ công nghiệp sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Tỉnh Đồng Nai cho biết đã thực hiện quản lý thịt heo theo chuỗi tại nhiều điểm, qua đó kéo giảm giá thành - chỉ còn 30.000 đồng/kg heo hơi (giá thị trường hiện nay khoảng 32.000 - 35.000 đồng/kg).
Tỉnh đã quy hoạch 139 vùng phát triển chăn nuôi với tổng diện tích 15.722ha, đến nay đã có 596 trang trại (chiếm 35%); quy hoạch được 36 cơ sở, điểm giết mổ (21 cơ sở tập trung, 15 cơ sở giết mổ vệ tinh).
Riêng thịt heo, đã có 400 trang trại và 21 nhóm GAHP (thực hành chăn nuôi tốt) tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc vào TPHCM và chuỗi chế biến thực phẩm Anh Hoàng Thy, Anh Hào Phát, cùng 4 điểm chợ thuộc huyện Vĩnh Cửu và Tân Phú.
Với TPHCM, mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi đã triển khai từ năm 2013 đến nay, trong đó chuỗi thịt heo có hợp đồng tiêu thụ, được lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm từ trang trại, cơ sở giết mổ, cửa hàng phân phối tiêu thụ của Công ty Vissan, An Hạ, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam…
Lũy tiến đến nay, lượng thịt heo tiêu thụ bình quân mỗi ngày là 1.348 con, chiếm 12,78% tổng sản lượng của thị trường TP. Từ nay đến 2020, TP phấn đấu cung cấp thịt heo an toàn được kiểm soát theo chuỗi khoảng 3.000 con/ngày.
Ông Võ Trọng Thành, đại diện chuỗi thịt heo VIP (Cục Chăn nuôi), cho rằng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là giải pháp quan trọng cho mục tiêu phát triển chăn nuôi hiện đại, bền vững ở Việt Nam, có thể kết nối được sản xuất với thị trường, tăng tính dự báo chủ động, đảm bảo an toàn thực phẩm, điều tiết cung cầu, phân bổ lợi nhuận hợp lý cho các bên tham gia…
Mỗi địa phương quy định khác nhau
Tuy nhiều tỉnh đồng ý việc thực hiện quản lý chuỗi thịt heo, nhưng vừa qua, khi TPHCM thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo thì nhiều nông dân, trang trại của các tỉnh gặp lúng túng, khó khăn.
Theo đại diện tỉnh Bình Phước, hiện nay mỗi tỉnh - thành có chuỗi và phương thức khác nhau. “Nếu như người chăn nuôi Bình Phước thực hiện theo chuỗi của Bộ NN-PTNT, làm nhãn hiệu riêng cung cấp cho toàn tỉnh, nhưng TPHCM lại bắt buộc phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc mới cho đưa thịt heo vào thị trường TPHCM, vậy quy định của Bộ NN-PTNT đúng hay địa phương đúng?”, vị này đặt câu hỏi.
Đại diện tỉnh Trà Vinh cũng cho rằng, việc TPHCM thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo trước khi vào chợ đã khiến cho người chăn nuôi gặp khó khăn. Địa lý của miền Tây Nam bộ theo dạng sông nước, nên phần lớn các hộ chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ, chỉ vài chục con.
Quy định truy xuất nguồn gốc hướng tới việc mua vòng đeo, nên người chăn nuôi phải gánh nặng thêm chi phí. “Nếu thực hiện theo chuỗi của Bộ NN-PTNT thì có vào được thị trường TPHCM không?”, đại diện tỉnh Trà Vinh bức xúc hỏi.
Theo tỉnh Đồng Nai, hiện nay việc tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi vẫn còn yếu, phụ thuộc nhiều vào khâu trung gian (thương nhân) nên rất khó kiểm soát, chưa truy xuất được nguồn gốc. Các hình thức tổ chức sản xuất lớn trong chăn nuôi (nhất là hợp tác xã) chậm phát triển, hoạt động chưa hiệu quả.
Việc triển khai quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, như cơ sở hạ tầng trong vùng quy hoạch chưa đồng bộ, số lượng trang trại trong vùng quy hoạch còn hạn chế… Nếu không có quy định chế tài thì việc thực hiện theo chuỗi sẽ rất khó.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi, khẳng định chuỗi thịt heo sẽ là xu thế tất yếu và quan trọng, tạo hành lang an toàn cho thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh nhờ giảm giá thành sản phẩm. Sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng thêm Luật Chăn nuôi, điều chỉnh lại VietGAP cho phù hợp với phương thức chăn nuôi trang trại, nông hộ, để hướng tới hình thành chuẩn.
Theo Cục Thú y, cả nước hiện có 22.211 cơ sở giết mổ thịt heo dạng nhỏ, 878 cơ sở giết mổ tập trung và chỉ có 8 điểm giết mổ để xuất khẩu. Việc giết mổ theo kiểu thủ công khiến thịt heo không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đầu tư hệ thống giết mổ công nghiệp thì chi phí rất lớn, nên cần phải phát triển theo dạng chuỗi thì mới có đủ nguồn lực.