Quản lý chặt, công trình trái phép vẫn mọc lên

Thường thì khi người dân chỉ chở một xe cát và gạch để xây dựng trên thửa đất của mình cũng bị kiểm tra, lập biên bản (nếu vi phạm). Theo người dân, việc để mọc lên hàng loạt công trình trái phép, xây dựng kiên cố là rất khó lý giải, ngoại trừ có sự tiếp tay hoặc bảo kê từ cán bộ công quyền.

Lỏng lẻo quản lý, chạy theo khắc phục

Hiện nay, các đầu nậu có nhiều cách thức xây dựng trái phép, từ những căn nhà tạm bợ đến những “chung cư mini cao cấp”. Ở huyện Bình Chánh, chiêu thức của các đầu nậu là mời gọi người dân về mua đất nông nghiệp với diện tích nhỏ, bằng giấy tay. Đầu nậu cũng “bao” xây nhà, từ tạm bợ đến những căn nhà lầu kiên cố.

Theo ông Phan Thanh Nhã, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), từ đầu năm 2019 đến nay xã phát hiện 33 trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng. Trong đó, 24 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, 9 trường hợp xây dựng không phép. Trong quý 1-2019, xã cũng vận động người dân tháo gỡ 190 móng nhà, 20 nhà tạm, nhà tôn không phép. “Công tác quản lý đất đai, xây dựng ở xã gặp nhiều khó khăn vì dân số cơ học tăng nhanh”, ông Nhã phân trần và cho biết, 2/3 người dân ở xã (hiện có hơn 120.000 dân) là người nhập cư.

Nắm bắt nhu cầu nhà ở lớn này, đầu nậu gom đất nông nghiệp với số lượng lớn rồi phân lô, xây dựng không phép… và bán bằng giấy tay hoặc nhờ thừa phát lại lập vi bằng.

Tình trạng thu gom đất nông nghiệp rồi tự ý phân lô tách thửa, xây dựng trái phép, làm đường không xin phép cũng xảy ra khá phổ biến ở các huyện ngoại thành. Đơn cử như tại huyện Hóc Môn, ông P.V. Liệu (xã Thới Tam Thôn) có thửa đất rộng gần 2.800m2 đã tự ý phân lô thành 14 thửa và bán hết cho người khác; ông L.V. Suối (xã Xuân Thới Sơn) chia khu đất rộng gần 4.400m2 thành 8 thửa; ông L. Hùng (xã Bà Điểm) “xé nhỏ” hơn 4.800m2 thành 7 thửa.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hóc Môn hiện có hơn 1.390 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất diện tích lớn có sai phạm. Gần như toàn bộ các trường hợp này sau đó đã được phân lô rồi bán cho người dân.

Chính vì lỏng lẻo trong quản lý nên các địa phương phải chạy theo giải quyết hậu quả. Trong đó, huyện Hóc Môn phải tổ chức rà soát các trường hợp cụ thể để có phương án giải quyết cho người dân.

Còn việc giải quyết hậu quả liên quan đến các công trình xây dựng sai phép rồi hợp khối thành “căn hộ mini” ở quận Thủ Đức hiện cũng rất nan giải. Chỉ riêng 2 vị trí ở đường 32 và đường 36 phường Linh Đông đã có 5 công trình nhà ở riêng lẻ được “biến tấu” thành 2 cụm “chung cư mini”, với khoảng 500 căn hộ. Cụ thể, trên đường 36, 2 người dân có 2 mảnh đất liền kề (tổng diện tích 2.600m2) cùng xin 2 giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cao 3 tầng. Trong quá trình thi công, 2 công trình “vươn” lên thành 5 tầng, lại được hợp khối thành một cụm.

Từ đó, chủ đầu tư cho ngăn chia thành 190 phòng (từ 14 - 26m2/phòng), rồi chào bán “căn hộ mini”. Còn tại một hẻm ở đường 32, có cụm 3 block chung cư (khoảng 310 “căn hộ mini”) cũng được hình thành theo cách thức tương tự. Tất cả hơn 500 “căn hộ mini” trên được bán với giá từ hơn 300 - 600 triệu đồng/căn, thời gian sử dụng 20 - 50 năm.

Sai phạm ở các “chung cư mini” này đã rõ, phần xây dựng không phép sẽ bị tháo dỡ. Song việc thực hiện là không đơn giản. Bởi lẽ, hầu hết các căn hộ đã được nhiều người mua lại và hàng trăm người đã dọn vào đó sinh sống.

Ông Đặng Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết quận yêu cầu chủ đầu tư khắc phục; đồng thời tổ chức thông báo, vận động người mua trước khi tiến hành xử lý công trình sai phép, nhằm tránh phát sinh điểm nóng phức tạp.

Quản lý chặt, công trình trái phép vẫn mọc lên ảnh 1 “Chung cư mini” trái phép trên đường 36 phường Linh Đông (quận Thủ Đức) hiện có hàng trăm người vào ở . Ảnh: KIỀU PHONG

Giao công an điều tra dấu hiệu tiếp tay, bảo kê

Liên quan đến những sai sót trong quản lý, xử lý vi phạm xây dựng trên các phường Linh Đông, Tam Phú và Bình Thọ (quận Thủ Đức), Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận Thủ Đức đã xử lý về mặt Đảng hàng loạt cán bộ. Trong đó, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận; ông Nguyễn Nam Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận, cùng bị cảnh cáo.

Nhiều lãnh đạo của các phường này, gồm bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực và các cán bộ địa chính - xây dựng cũng bị kỷ luật từ mức khiển trách đến cách hết các chức vụ trong Đảng. Theo ông Đặng Nguyễn Thanh Minh, liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm này, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND quận phụ trách đô thị đã nhận trách nhiệm về người đứng đầu và đề ra các giải pháp tập trung khắc phục. Quận cũng đang hoàn tất quy trình xử lý về mặt chính quyền đối với những cán bộ có liên quan. Đồng thời, quận cũng yêu cầu các phường tổng rà soát về tình trạng xây dựng không phép, xây dựng sai phép trên địa bàn.

Công việc này phải được triển khai đến các khu phố, tổ dân phố và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, trước các sai phạm đã được kết luận, quận sẽ xem xét, xử lý nghiêm khắc các cán bộ vi phạm, thiếu trách nhiệm. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ, để các cán bộ khác thấy đó nâng cao ý thức, có trách nhiệm hơn trong thực thi công vụ.

Chia sẻ thêm với phóng viên Báo SGGP, một lãnh đạo Huyện ủy huyện Bình Chánh cho biết lãnh đạo địa phương đã làm việc với 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B về quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Huyện ủy đã chỉ đạo 2 xã xử lý tình hình vi phạm xây dựng trên địa bàn, yêu cầu xử lý nghiêm khắc trách nhiệm những cán bộ có liên quan.

“Địa bàn 2 xã này rộng và thực tế có nhiều nhà tạm “xây dựng trong tích tắc”, nhưng việc để hình thành nhiều công trình không phép trên đất nông nghiệp là không thể chấp nhận”, vị lãnh đạo này khẳng định. Theo vị này, nhiều nơi ở huyện, người dân chỉ chở một xe cát cùng vài viên gạch là cán bộ đã đến kiểm tra.

Thế nên, việc để xảy ra nhiều công trình, trong đó có công trình kiên cố trên đất nông nghiệp là buông lỏng quản lý, thậm chí “bảo kê” cho xây dựng không phép.

Liên quan trách nhiệm của các cán bộ, thời gian qua huyện Bình Chánh cũng xử lý nhiều trường hợp như cảnh cáo, chuyển công tác chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A làm chuyên viên; thay bí thư, chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B…

Đối với các vi phạm mới phát sinh, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thông tin huyện đang hoàn tất các bước để kiểm điểm, xử lý những cán bộ để xảy ra vi phạm xây dựng trên địa bàn trong thời gian qua. Đồng thời, UBND huyện cũng giao công an huyện điều tra, xác minh có hay không việc cán bộ tiếp tay cho xây dựng không phép, để có cơ sở xem xét, xử lý.

Ông NGUYỄN THÀNH TRỌNG, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hóc Môn:

Cán bộ xây nhà trái phép rồi xin tồn tại

Hiện nay, Huyện ủy Hóc Môn đã có Nghị quyết 05, yêu cầu cán bộ, đảng viên cam kết không vi phạm. Tuy nhiên, qua rà soát, chúng tôi xác định có một số cán bộ, công chức cấp thành phố cũng có vi phạm trong quản lý trật tự đô thị về xây dựng. Những người này nại cớ mình chưa có nhà ở nên xây dựng không phép, sai phép. Cán bộ, công chức này đã vi phạm rồi còn kiến nghị Huyện ủy, UBND huyện cho công trình xây dựng trái phép tồn tại. Do đó, Phòng Quản lý đô thị huyện sẽ có báo cáo về trường hợp này cho Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện, để kiến nghị với cấp trên.

Thời gian qua, việc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn gặp một số vướng mắc, khó khăn. Đặc biệt, tình trạng vi phạm xây dựng nhà ở riêng lẻ trên đất nông nghiệp rất phức tạp, do quy định của pháp luật chồng chéo. Cụ thể, theo Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt sẽ miễn phép xây dựng, nếu không nằm trong khu bảo tồn, khu di tích văn hóa. Do vậy, việc áp dụng xử lý hành vi xây dựng trái phép gặp bất cập, dẫn đến vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp tăng cao. 

QUANG HUY (ghi)

Ông TRẦN PHÚ LỮ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh:

Xử nặng cán bộ “lơ” công trình không phép

Trong thời gian qua, UBND huyện có kế hoạch phối hợp với Sở Xây dựng TPHCM tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng vi phạm xây dựng, nhất là ở các địa bàn nóng như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng. Trong 3 năm qua, số công trình vi phạm xây dựng ở huyện giảm 5%/năm. Vi phạm xây dựng vẫn diễn ra là do huyện có diện tích rộng, tốc độ đô thị hóa cao và dân nhập cư nhiều. Nhu cầu nhà ở cao nhưng nhiều người không đủ điều kiện mua đất có đầy đủ pháp lý, tại nơi có hạ tầng hoàn thiện. Họ tìm đến các xã mua đất nông nghiệp và các “đầu nậu chuyên nghiệp” gom đất nông nghiệp, phân lô rồi xây dựng trái phép bán cho người dân.

Do đó, huyện sẽ tập trung tuần tra, giám sát; rà soát lại việc phân công, phân nhiệm từ cán bộ địa chính ở cơ sở đến cán bộ quản lý địa bàn. Huyện sẽ phân rõ khu vực, tuyến đường tuần tra, giám sát và yêu cầu báo cáo hàng ngày về UBND xã, UBND huyện để theo dõi. Việc này nhằm tránh bỏ sót sai phạm và ngăn ngừa tình trạng cán bộ bao che cho sai phạm.

Đối với các công trình vi phạm, thời gian qua huyện cũng đã kiên quyết xử lý nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Do đó, ngoài việc xử lý hành chính (đối với các công trình vi phạm) thì huyện cũng sẽ tập trung xử lý hình sự các đối tượng vi phạm nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần. Những đối tượng được đặc biệt chú ý là các “đầu nậu” xây dựng không phép và cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiếp tay. Huyện cũng tăng cường giám sát cán bộ, công chức; nếu phát hiện cán bộ, công chức biết nhưng không lập biên bản, không báo cáo vi phạm thì xử lý nặng hơn cán bộ, công chức tiếp tay cho xây dựng không phép, sai phép. 

THU HƯỜNG (ghi)

Tin cùng chuyên mục