Nhận xét về quy định cấp phép sử dụng, khai thác tài nguyên nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ băn khoăn về các trường hợp không phải đăng ký, không phải cấp phép khai thác tài nguyên nước. “Về cơ bản tôi đồng ý về nước mặt, nhưng còn nước ngầm tôi đề nghị cân nhắc”, ông nói.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định, từ nhiều năm nay tình trạng khai thác bừa bãi làm cạn kiệt, ô nhiễm các tầng nước ngầm... đã diễn ra rất nghiêm trọng. Nếu không có giải pháp quản lý chặt chẽ, hộ gia đình tự ý khai thác và sử dụng thì có thể dẫn đến lún sụt, rất nguy hiểm…
Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị chú trọng quản lý tài nguyên nước ngầm. “Ở đồng bằng sông Cửu Long, một phần do khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát, khai thác quá mức, dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển”.
Quang cảnh phiên họp |
Cũng đề cập đến cấp phép khai thác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cấp giấy phép mới chỉ là khâu tiền kiểm: “Nên chăng tăng thêm các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý hậu kiểm. Phải quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn để cho tất cả người dân có thể tham gia vào quản lý, khai thác, sử dụng. Bộ TN-MT nên phối hợp với Bộ KH-CN để xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn làm công cụ quản lý”.
Khái quát vấn đề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại các điều khoản quy định chi tiết để đưa vào luật nhiều nhất những nội dung có thể; tránh chuyện “kéo” hết quyền hạn về cơ quan quản lý; hạn chế tối đa chuyện xin - cho. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã có chủ trương rất lớn là kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường, nhưng thực tế làm được rất ít. Nước là 1 loại tài nguyên quan trọng, cần bám sát cơ chế thị trường định hướng XHCN trong việc quản lý sử dụng tài nguyên này.
Vẫn theo đồng chí Vương Đình Huệ, rất cần rà soát kỹ quy định chuyển tiếp, tránh xung đột pháp luật, tránh việc phải đi xử lý vướng mắc khó khăn của dự án rất cụ thể.