Mục tiêu tổng quát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trong thanh, thiếu niên; giảm số lượng thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, vi phạm pháp luật về ma túy, góp phần xây dựng thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam phát triển toàn diện.
Chương trình phấn đấu kiềm chế tỷ lệ gia tăng; tiến tới giảm số lượng thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy so với năm trước. Bảo đảm quản lý chặt chẽ số thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy theo quy định. Đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, trên 90% thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, khám sàng lọc, đánh giá, được giáo dục thay đổi hành vi, điều trị, cai nghiện ma túy thích hợp và thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy, thanh, thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về tội phạm ma túy được hỗ trợ dạy nghề, việc làm và các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định pháp luật.
Chương trình cũng đặt mục tiêu hàng năm, làm giảm số vụ thanh, thiếu niên phạm tội về ma túy so với năm trước; các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy liên quan đến thanh, thiếu niên được đấu tranh, triệt xóa kịp thời và không để tái hình thành; trên 90% số vụ phạm tội về ma túy phát hiện liên quan đến thanh, thiếu niên được giải quyết, xét xử theo quy định.
Các tổ chức đoàn xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về ma túy xây dựng mô hình phòng, chống ma túy; trong đó mỗi năm giúp đỡ, hỗ trợ để cảm hóa được ít nhất 1 thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy hoặc thanh, thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về tội phạm ma túy tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định.
Hàng năm, ít nhất 70% cơ sở giáo dục bậc THCS trở lên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên. Đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, 100% cán bộ, giáo viên, giảng viên được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy để có đủ năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên.
Để đạt được những mục tiêu trên, chương trình đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó việc nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy; quản lý chặt chẽ thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và quản lý, hỗ trợ thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy nhằm ngăn chặn ma túy tác động đến thanh, thiếu niên.
Trong năm 2023, thông qua công tác đấu tranh, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã phát hiện 5 chất mới có tác dụng như nhóm cần sa tổng hợp, không nằm trong danh mục các chất ma túy theo Nghị định số 57/2022 của Chính phủ; phát hiện phương thức sản xuất ma túy mới lần đầu tiên xuất hiện ở Lào, Việt Nam và các nước trong khu vực…
Hiện toàn quốc có 229.265 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy, trong đó có 43.748 người sử dụng trái phép chất ma túy; 170.521 người nghiện ma túy, trong đó có hơn 71.000 người đang ở ngoài xã hội, chiếm 42%.
Hàng ngàn người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”. Đây được xác định là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy rất lớn, gây áp lực cho công tác phòng, chống ma túy, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cao tội phạm về ma túy, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác, gây mất an ninh trật tự tại nhiều địa phương.