Quản lý chặt các kỳ thi riêng

Sau khi Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, ĐHQG Hà Nội tổ chức thành công kỳ thi đánh giá năng lực, những năm gần đây, có thêm nhiều trường đã bổ sung phương thức xét tuyển bằng kỳ thi riêng.

Hiện có gần 10 cơ sở giáo dục đại học thông báo tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh năm 2023. Nhiều người lo ngại, việc tổ chức kỳ thi riêng khiến thí sinh gặp khó khăn trong lựa chọn, tăng áp lực ôn tập.

Hiện nay, học sinh lớp 12 đang “chạy đua” cho kỳ xét tuyển đại học sắp tới. Nhiều em vừa dồn sức cho việc học và ôn tập trên lớp để thi tốt nghiệp THPT, vừa học phụ đạo các môn xét tuyển đại học, học thêm để thi chứng chỉ tiếng Anh IELTS.

Đồng thời, nhiều học sinh còn phải ôn luyện để tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của một số trường đại học tổ chức. Lý do là để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, muốn có thêm các phương án thật chắc chắn cho việc trúng tuyển.

Với các kỳ thi riêng, kết quả chỉ được công nhận ở một số trường nhất định. Do đó, thí sinh muốn tăng cơ hội trúng tuyển vào nhiều trường đại học có thể phải tham gia nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường để đề phòng rủi ro.

Đó là quyền của thí sinh, nhưng các trường, giáo viên, gia đình cũng cần định hướng rõ ràng hơn cho các em; xác định đúng mục tiêu, tránh tình trạng đổ xô thi các kỳ thi riêng không cần thiết, vừa lãng phí thời gian, công sức vừa áp lực về tài chính (có trường thu lệ phí 1 đợt thi đánh giá năng lực 500.000 đồng/thí sinh, cho phép thí sinh được thi 2 đợt, tức là nếu thí sinh thi 2 đợt phải tốn 1 triệu đồng).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được xây dựng trên tinh thần giảm gánh nặng thi cử, phiền hà cho người học. Kết quả kỳ thi được sử dụng với 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT cho học sinh và căn cứ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Các trường được tự chủ tuyển sinh nhưng rất đáng lo ngại nếu xu hướng thi riêng ngày càng mở rộng, gây lãng phí nguồn lực xã hội, công sức của thí sinh và gia đình các em.

Vì vậy, ngành giáo dục cần tổ chức thật tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT (phải làm thật tốt khâu đề thi, coi thi, chấm thi) để đạt tới chất lượng cao nhất, có tính phân loại thí sinh cao để các trường đại học tin tưởng sử dụng kết quả xét tuyển. Mặt khác, cần tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Dù các trường đại học được tự chủ tuyển sinh, nhưng thay vì tự tổ chức các kỳ thi riêng gây tốn kém, các trường nên hướng tới việc liên kết, tổ chức chung một số kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy để vừa bảo đảm mục tiêu xét tuyển của từng trường, vừa giảm gánh nặng thi cử cho học sinh. Khi liên kết, các trường sẽ có ngân hàng đề thi phong phú, tạo ra một kỳ thi công bằng, chất lượng.

Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ tập trung vào mục tiêu xét tốt nghiệp THPT mà không làm tốt khâu phân loại thí sinh thì kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ ngày càng mở rộng. Đó là điều có thể nhìn thấy. Do đó, để bảo đảm quyền lợi thí sinh, đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của các trường, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, thì các kỳ thi riêng cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ các bên liên quan, nhất là cơ quan quản lý nhà nước; cần có sự thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm công bằng, khách quan, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Cùng với đó, cơ sở đào tạo tổ chức thi phải bảo đảm đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để tổ chức kỳ thi khách quan, nghiêm túc, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục