Quản lý ATTP: ​Văn bản nhiều, tiêu chuẩn thiếu, nhân lực yếu! ​

Ví dụ, riêng sản xuất, kinh doanh sữa chế biến dạng lỏng phải áp dụng không dưới 25 văn bản QPPL, trong đó 6 Luật, 6 Nghị định, 13 thông tư hướng dẫn, liên quan đến 9 thủ tục hành chính…

 

Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Ngày 5-6, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016. 

Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã gửi báo cáo về vấn đề này đến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Văn bản nhiều, tiêu chuẩn thiếu

Theo Báo cáo, Đoàn giám sát đã thực hiện đúng kế hoạch, tiến hành làm việc với 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 8 loại hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm; đã tiến hành làm việc với 3 Bộ có trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý nhà nước (QLNN) về an toàn thực phẩm (ATTP): Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công thương và nghe Chính phủ báo cáo kết quả tình hình thực hiện pháp luật về ATTP…

Đoàn giám sát cũng đã tổ chức 3 hội nghị chuyên đề: “Đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016” tại tỉnh Quảng Ninh, Bình Định và TPHCM.

Số liệu thống kê từ các bộ và UBND của 63 tỉnh/thành phố thì trong giai đoạn từ 2011- 2016, hệ thống pháp luật về ATTP của Việt Nam đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do các cơ quan trung ương ban hành, các địa phương cũng đã ban hành 1.253 văn bản quản lý (trong đó có 669 văn bản quy phạm pháp luật). Hệ thống văn bản này về cơ bản đã được ban hành đúng thẩm quyền, bám sát yêu cầu QLNN về ATTP, bảo đảm tính khả thi, khá thuận lợi cho SXKD thực phẩm.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP vẫn còn rất thiếu.

Số tiêu chuẩn mà các bộ ngành đề nghị ban hành là 457, số quy chuẩn là 119 và quy định kỹ thuật về ATTP là 6, song số lượng tiêu chuẩn được ban hành chỉ chiếm 80%, quy chuẩn chỉ chiếm 56,3% so với yêu cầu, trong khi đó thực phẩm thuộc loại hàng hóa nhóm 2 (bắt buộc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật - QCKT). Hiện mới chỉ có 2 QCKT địa phương được ban hành là quy QCKT về rượu bưởi Tân Triều (tỉnh Đồng Nai) và rượu Xuân Thạnh (tỉnh Trà Vinh).

Bên cạnh đó, các văn bản ban hành nhiều nhưng chưa được hệ thống hóa gây khó khăn cho việc áp dụng Luật. 

“Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về ATTP còn chậm, chưa được hệ thống hóa gây ảnh hưởng tới việc thực thi Luật; một số quy định chưa phù hợp với quản lý ATTP, tính khả thi chưa cao”, Báo cáo giám sát nêu rõ.
Ví dụ, về sản xuất, kinh doanh sữa chế biến dạng lỏng phải áp dụng không dưới 25 văn bản QPPL, trong đó 6 Luật, 6 Nghị định, 13 thông tư hướng dẫn, liên quan đến 09 thủ tục hành chính, 5 cơ quan QLNN chưa kể đến các lĩnh vực khác như xử lý vi phạm hành chính, quản lý thị trường, môi trường…

Hệ thống cơ quan quản lý chưa tương xứng với nhiệm vụ

Mặc dù đánh giá rằng, nhìn chung việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP đã có bước chuyển biến tích cực về cả về nhận thức và hành động; song Đoàn giám sát cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế quan trọng trong lĩnh vực này, trong đó đáng chú ý là hệ thống cơ quan QLNN về ATTP còn chưa tương xứng với nhiệm vụ; lực lượng còn phân tán ở nhiều bộ ngành, đơn vị nên việc triển khai thực hiện còn thiếu sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Cơ quan giúp cho Bộ trưởng Bộ Y tế thống nhất quản lý ATTP trong phạm vi cả nước là Cục ATTP, nhưng Cục chỉ có gần 90 biên chế, 20 cán bộ hợp đồng, trong khi thực tiễn quản lý phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến ATTP như sự cố Formosa, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm, các nguy cơ gây mất ATTP cả trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Đoàn giám sát ghi nhận, trong khi ở các  địa phương, đến nay vẫn chưa có mô hình tổ chức quản lý ATTP thực sự hiệu quả thì mới đây, TPHCM đang triển khai thí điểm Ban chỉ đạo ATTP trực thuộc UBND thành phố, có vị trí như một sở và nhân lực là tích hợp từ các sở, ban ngành chức năng của thành phố.

Đầu tư kinh phí cho công tác quản lý ATTP cũng được coi là chưa đáp ứng yêu cầu, theo đó, tổng NSNN đầu tư cho công tác ATTP giai đoạn 2011 - 2016 là: 2.545,79 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện còn thấp do bị cắt giảm (năm 2016 ngân sách TW giảm giảm 56%) và cấp chậm.

Riêng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP, theo Quyết định 1228/QĐ-TTg, Chương trình có tổng mức vốn là 4.139 tỷ đồng (giai đoạn 2012-2015), nhưng từ năm 2011 đến năm 2015 thì tổng nguồn vốn được cấp mới chỉ là 1.251,49 tỷ đồng, chiếm 30,2% so với tổng mức vốn được phê duyệt.

Năm 2016, Dự án ATTP thuộc Chương trình mục tiêu y tế dân số dự kiến được cấp là 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 11-2016 Dự án chỉ mới được tạm ứng 64 tỷ chiếm 21,33%. 

Tình trạng ngân sách thiếu và chậm phân bổ là phổ biến ở các địa phương, trung bình NSNN đầu tư từ Trung ương mỗi tỉnh/thành phố giai đoạn 2011-2016 là khoảng 14 tỷ đồng, trừ một số địa phương có bổ sung thêm ngân sách địa phương cho công tác ATTP, cao nhất là TPHCM, tiếp đến là tỉnh Long An và tỉnh Quảng Ninh, song một số địa phương nhiều năm ngân sách không bố trí cho công tác ATTP.

Tin cùng chuyên mục