Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng ban quản lý ATTP Phạm Khánh Phong Lan cho biết, mô hình thí điểm mới Ban quản lý ATTP TP trong thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả trong công tác quản lý, đặc biệt trong công tác phối hợp quản lý nhà nước đảm bảo ATTP với UBND 24 quận, huyện và công tác phối hợp cung ứng chuỗi sản phẩm thực phẩm sạch, an toàn từ trang trại đến bàn ăn với các tỉnh thành, nhằm bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người dân toàn TP.
Bên cạnh đó, mô hình quản lý của ban cũng đã tạo ra sự thống nhất một đầu mối thực hiện các thủ tục hành chính trong công tác quản lý ATTP tạo nên sự thuận lợi, nhất quán từ khâu cấp phép, quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cũng như giám sát mối nguy, chất lượng thực phẩm. Mô hình quản lý thực hiện trên một đầu mối đã tạo sự tín nhiệm và thuận lợi cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính về ATTP…
Tuy nhiên, cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, vấn đề nhân sự, cơ sở vật chất và các quy định còn chồng chéo, bất hợp lý trong cấp phép, xử lý vi phạm cũng là một thách thức đối với Ban quản lý ATTP TP.
Đánh giá cao mô hình thí điểm Ban quản lý ATTP bước đầu đã cho thấy nhiều chuyển biến tích cực, nhất là về công tác cung ứng chuỗi sản phẩm sạch; tạo thuận lợi nhất quán từ khâu quản lý, thanh tra, kiểm tra và giám sát về ATTP; tạo ra mạng lưới quản lý rộng trực tiếp tại các địa phương, góp phần đảm bảo nhanh chóng có nguồn thực phẩm sạch cho TP; công tác truyền thông thông tin, phát huy tạo được sức lan tỏa…
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành, quận huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Ban quản lý ATTP thực hiện tốt công việc. Vì đây là một mô hình được Chính phủ cho thí điểm, nếu thành công sẽ tiếp tục thực hiện và mở rộng các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, Ban quản lý ATTP TP cần phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo quy chế phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, tránh chồng chéo trong việc quản lý, giám sát ATTP.
Trưởng ban quản lý ATTP TPHCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết đã lên kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Điểm mới trong kế hoạch năm nay là thiết lập mạng lưới các đội ATTP rộng khắp 24 quận, huyện. Các đội sẽ phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của quận, huyện để lên kế hoạch kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, ban cũng đã thiết lập các chuyên đề thanh, kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết như: nước đá, rượu, nước giải khát, bánh kẹo, mứt, lạp xưởng…
Điều tra, xác minh 142 học sinh bị sốt, tiêu chảy
Ngày 12-12, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, cho biết đang điều tra nguyên nhân khiến 142 học sinh Trường Tiểu học An Phú (phường An Phú, quận 2) bị sốt, đau bụng, tiêu chảy.
Trước đó, sáng 8-12, tại Trường Tiểu học An Phú, 142 học sinh có triệu chứng bất thường (5 học sinh tiêu chảy kèm sốt; 18 học sinh nôn ói, đau bụng, sốt và 119 học sinh sốt). Với những học sinh bị sốt nhà trường đã xử lý hạ sốt tại chỗ và thông báo để gia đình đưa về nhà, tránh lây lan đến các học sinh khác. Một số học sinh nặng hơn được đưa đến Bệnh viện Quận 2; 2 học sinh sốt cao, đau bụng, tiêu chảy được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 để được theo dõi. Ban Quản lý ATTP TP cho biết, trưa ngày 7-12, Trường Tiểu học An Phú phục vụ 720 suất cơm gồm: cơm trắng, chả trứng hấp, đậu que xào, canh hẹ đậu hũ thịt bằm và táo tráng miệng.