PHÓNG VIÊN: Thưa bà, khi để xảy ra vụ việc heo bị tiêm thuốc an thần, trách nhiệm chính thuộc về đơn vị nào?
- Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Tôi có thể nói ngay, trách nhiệm thuộc về ngành thú y TP, cụ thể là những cán bộ có trách nhiệm 24/24 giờ việc giám sát lò mổ này. Việc heo bị tiêm thuốc an thần, chất cấm khác, có thể xảy ra tại một lò mổ nhỏ xa xôi hẻo lánh vì khó kiểm soát, nhưng vụ việc lại xảy ra tại lò mổ lớn nhất TP là không thể chấp nhận. Lẽ nào những cán bộ này đã bị các thương lái “bịt mắt”? Tôi đề nghị làm rõ và xử lý nghiêm những cán bộ đã để xảy ra sự việc này.
- Theo bà, việc quản lý ATTP trên địa bàn TP như hiện nay đã phù hợp chưa?
- Việc quản lý ATTP tại thành phố hiện đang có sự phân cấp nên rất lấn cấn trong quá trình thực hiện, tạo nhiều kẽ hở. Đến khi xảy ra chuyện thì ông này nhìn ông kia! Ở giai đoạn heo giết mổ, trách nhiệm quản lý thuộc Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT). Còn khi thịt heo ra đến chợ đầu mối, đến bếp ăn của người dân thì thuộc trách nhiệm của ban ATTP. Ban ATTP mới thành lập được mấy tháng, đang tập trung cho đề án xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan
Trong việc heo bị tiêm thuốc, chúng tôi chia sẻ trách nhiệm bằng việc ngăn chặn không cho đưa ra thị trường. Thời gian tới, nếu thấy bất cập, UBND TP có thể giao luôn trách nhiệm quản lý việc giết mổ cho chúng tôi. Việc đảm nhiệm thực hiện từ sản xuất đến giết mổ rồi đưa ra thị trường sẽ tốt hơn. Mặt khác, việc giao thú y cho ban cũng phù hợp với định hướng hoạt động của ban trình Thủ tướng ngay trong lần đầu tiên.
- Nếu giao lực lượng thú y cho ban thì sẽ tổ chức thực hiện như thế nào cho hiệu quả?
- Chắc chắn là sẽ tổ chức phân công lại, không còn mô hình như Chi cục Thú y mà phân về cho các đội quản lý ATTP. Hiện giờ ban đang thiếu về cơ sở vật chất nên gom 3 quận về một đội, nếu có lực lượng thú y về, kèm theo chức năng kiểm soát cả khâu giết mổ thì ban sẽ bố trí đội ở tất cả các quận, huyện. Như vậy, lực lượng thú y không chỉ chuyên trách chuyên ngành mà còn phải gắn với các quận, bổ sung cho nhau để kiểm soát toàn diện về ATTP.
- Làm thế nào để kiểm soát việc mua bán, tiêu thụ chất cấm trên heo nói chung và các mặt hàng thực phẩm khác, thưa bà?
- Như ngành thú y công bố, thuốc an thần bị phát hiện sử dụng trên heo là Combitress - thuốc thú y do Bộ NN-PTNT nhập từ Bỉ, dùng chữa bệnh cho gia súc. Điều tôi lo lắng nhất là các thương lái rỉ tai nhau sử dụng, để khi giết thịt heo không vùng vẫy gãy chân. Đặc biệt, các lò mổ lậu sẽ sử dụng để heo không kêu la, không bị phát hiện.
Bộ NN-PTNT cần kiểm soát chặt thuốc thú y để kịp phát hiện ý đồ dùng sai mục đích. Nên thống kê lại số thuốc an thần cho heo đã nhập và kể cả sản xuất trong nước. So sánh số lượng nhập trong những năm gần đây có tăng đột biến hay không.
- Để đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm sạch, kiểm soát tốt về ATTP cần bắt đầu từ đâu, thưa bà?
- Theo tôi, với chức năng và nhiệm vụ của Ban ATTP hiện nay, chúng tôi đang thực hiện việc “xây” đi đôi với “chống”. “Xây” là tập trung phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch. Trong chuỗi này, chúng tôi cung cấp cho các trang trại quy chế thực hiện, sau đó sẽ phối hợp với từng địa phương để kiểm tra, giám sát xem triển khai đúng hay không. Khi đưa hàng về chợ đầu mối thì lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, lấy mẫu test (thử) nhanh. Với các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố… là những nơi có nguy cơ lớn sẽ tăng cường giám sát.
Thử hỏi, hiện nay mỗi năm 100.000 tấn thuốc trừ sâu đi đâu, rồi các hóa chất độc hại như Salbutamol mỗi năm nhu cầu chưa đến 100kg nhưng nhập tới 9 tấn! Với những doanh nghiệp làm sai thì cần phạt đích đáng. Sai phạm trong thực phẩm, cứ dùng biện pháp kinh tế để trừng trị mới đủ sức răn đe. Mặt khác, TP cũng phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển các lò giết mổ hiện đại mới có thể kiểm soát tốt nhất về ATTP.