Quản lý an toàn thực phẩm: Phải làm từ gốc

Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng và các nhà bán lẻ đang nỗ lực chung tay thực hiện qua việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngay từ gốc.

Kiểm soát đầu vào hàng hóa được nhà bán lẻ quản lý chặt chẽ từ gốc
Kiểm soát đầu vào hàng hóa được nhà bán lẻ quản lý chặt chẽ từ gốc

Liên tiếp xảy ra ngộ độc quy mô lớn

Thời gian qua, trên cả nước liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn. Cụ thể, riêng trong tháng 5-2024 đã xảy ra những vụ ngộ độc lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Có thể kể đến vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai vào đầu tháng 5-2024 khiến hơn 500 người phải nhập viện hay hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bị ngộ độc thực phẩm, trong đó, hơn 300 người phải nhập viện…

Theo Cục An toàn thực phẩm, tình hình ngộ độc thực phẩm trong 5 tháng đầu năm 2024 trên cả nước cho thấy nhiều diễn biến phức tạp, nguyên nhân chính là do thời tiết nắng nóng bất thường, thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh; cùng với đó là khủng hoảng kinh tế nên nhiều doanh nghiệp bất chấp, nhập các thực phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc để tối đa lợi nhuận.

Trước thực tế này, Bộ Y tế đã có công văn số 2487 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Công văn đề nghị các địa phương huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn. Cùng với đó, tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP; tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.

Trên tinh thần này, các địa phương ở phía Nam như Long An, TPHCM… đang tập trung thực hiện các biện pháp để nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý về điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống; ATTP tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.

Quản chặt từ gốc

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc kiểm soát ATTP là mối quan tâm của toàn xã hội. Tuy vậy, để thực phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn cần có sự chung tay của nhiều bên, trong đó quan trọng nhất là phải quản chặt từ gốc.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều địa phương lớn, nhất là TPHCM đã và đang rốt ráo thực hiện kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa. Đồng thời, phối hợp kiểm soát chất lượng hàng hóa với các hệ thống phân phối lớn nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, giúp bảo vệ sức khỏe và lợi ích người tiêu dùng. “Giải pháp chính của chương trình là gia tăng hiệu lực chế tài đối với sản phẩm không đạt chất lượng thông qua việc cùng chia sẻ thông tin, hành động, ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng.

Qua đó, hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng tổng hợp của toàn bộ các nhà bán lẻ tham gia chương trình, phát huy năng lực kiểm soát chất lượng chặt chẽ của từng hệ thống phân phối”, đại diện Sở Công thương TPHCM khẳng định. Là đơn vị trực tiếp tham gia chương trình, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, để có sự ký kết này là sự nỗ lực rất lớn của ngành công thương khi thực hiện kết nối các đơn vị phân phối trong và ngoài nước. Về phía Saigon Co.op, theo ông Đức, để kiểm soát chất lượng hàng hóa, nhà bán lẻ này đang phối hợp cùng nông dân, nhà sản xuất kiểm tra nguồn hàng ngay từ đầu.

Tại các điểm bán lẻ, Saigon Co.op cũng trang bị các thiết bị chuyên dụng cho nhân viên kiểm soát chất lượng để kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa đầu vào như kit test kiểm tra nhanh dư lượng thuốc thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, kit test kiểm tra nhanh hàn the, formol trong thực phẩm. Đặc biệt, để hỗ trợ công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa tại nhà cung cấp, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động nhằm kịp thời kiểm soát chất lượng thực phẩm tại vùng nguyên liệu, góp phần hỗ trợ nhà cung ứng giám sát chất lượng hàng hóa, giảm thiểu chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển, bảo quản…

Suốt 35 năm hình thành và phát triển, Saigon Co.op luôn xác định đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu, trong đó đảm bảo vệ sinh ATTP là yếu tố tiên quyết. Do vậy, trong hành trình sắp tới, nhà bán lẻ này cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu và phối hợp các cơ quan chức năng kiểm soát chặt hơn nữa chất lượng đầu vào để bảo vệ người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh cho toàn hệ thống.

Tin cùng chuyên mục