“Quảng Nam kiến nghị Chính phủ cung cấp thêm 1.000 tấn gạo để đảm bảo đủ cho dân. Hiện nay, Quảng Nam gặp khó khăn trong việc khắc phục hạ tầng giao thông, nhà cửa hư hỏng, kính đề nghị Chính phủ quan tâm để sớm khắc phục kịp thời, qua cơn bão số 10 sẽ sửa chữa kịp thời. Quảng Nam mong Bộ TN-MT và các bộ ngành nghiên cứu cho khu vực miền Trung và miền núi phía Bắc sớm có được bản đồ về đảm bảo sạt lở, tai biến nguy cấp… Mong Bộ TN-MT cử lực lượng chuyên môn cao vào đánh giá những khu vực của Quảng Nam để từ đó có những khuyến cáo kịp thời ít nhất trong mùa mưa bão”, ông Lê Trí Thanh kiến nghị.
Trung ương, các địa phương đã tổng lực chỉ đạo 66.121 lượt cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, 1.716 phương tiện để ứng phó, hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường. Thời gian đến, sẽ nhanh chóng phục hồi toàn bộ lưới điện, khắc phục tạm thời trường học để học sinh đi học lại vào ngày 2-11; các bệnh viện, trạm y tế, công sở đảm bảo ưu tiên cấp điện nước để hoạt động bình thường.
Trả lời các đề xuất hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do bão lũ, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo Nghị định 136, đối tượng được hỗ trợ hiện nay đối với nhà bị hư hại là 20 triệu đồng, nhà bị sập là 40 triệu đồng.
Về gạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, như đề xuất của địa phương, hiện nay mỗi khẩu của mỗi hộ được hỗ trợ 3 tháng, mỗi tháng không quá 15kg. Về đề xuất của các địa phương hỗ trợ gạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị ngay ngày mai nếu như địa phương có văn bản thì Bộ LĐ-TBXH và Bộ Tài chính cũng sẽ có văn bản ngay để đảm bảo cho người dân các địa phương không ai bị đói, không ai không có gạo ăn.
Liên quan đến tình hình thị trường sau bão lũ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Về cơ bản đều đảm bảo bởi ngay sau bão, Bộ đã có các chỉ đạo có liên quan đến các đơn vị. Trong khi đó, từ trước bão các địa phương cũng đã có dự trữ hàng hóa. Đối với vấn đề thủy điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất cần có cuộc khảo sát, nghiên cứu kỹ tại các dự án thủy điện, trên cơ sở đó có những đánh giá khoa học, chính xác có sự tác động như thế nào của thủy điện với tình hình lũ lụt hiện nay.
Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương cũng có nhiều kiến nghị, đề xuất hỗ trợ để địa phương khắc phục hậu quả của mưa lũ; đồng thời, đại diện các bộ, ngành Trung ương cũng thông tin công tác hỗ trợ, giúp các địa phương miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ; nêu rõ những định hướng sắp tới của bộ, ngành mình nhằm giúp các địa phương sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.
“Trên 20 năm qua mới có một cơn bão lớn như bão số 9 vừa rồi. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo từ Trung ương đến các địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần làm giảm thiểu những thiệt hại do cơn bão này gây ra. Tôi biểu dương, đánh giá cao các lực lượng, nhất là lực lượng quân sự, công an đã bám sát hiện trường để chỉ đạo, tập trung khắc phục và cứu dân. Từng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cũng như lãnh đạo các cấp ở các tỉnh, thành, quận, huyện, phường, xã, thôn, buôn… đều có mặt rất sớm để chỉ đạo và đôn đốc công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn. Đảng, Nhà nước tin tưởng nhân dân và chính quyền các địa phương sẽ sớm vượt qua khó khăn này để vươn lên, từ kinh nghiệm thực tiễn và quyết tâm cũng như sự hỗ trợ của cả xã hội, nhân dân miền Trung và cấp ủy, chính quyền các địa phương sẽ tìm mọi biện pháp thích ứng để sống chung với bão lũ, đoàn kết vượt qua để ổn định cuộc sống và sản xuất”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục tăng cường nhân lực và phương tiện để tìm thấy người còn mất tích ở Thừa Thiên - Huế, ở Quảng Nam và Bình Định. Đồng thời, tích cực điều trị người bị thương do bão lũ gây ra. Lưu ý, phải tiếp tục chăm sóc gia đình bị nạn, giúp họ vượt qua khó khăn, mất mát. Trong đó, vai trò đi đầu phải là của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, phải làm tốt trách nhiệm. Tiếp tục vận động mọi biện pháp để con em người dân vùng bão lũ có trường lớp và nhanh chóng được đến trường để học tập bình thường trở lại. Đối với các nguồn viện trợ từ xã hội, các địa phương lưu ý phải minh bạch, công khai, đảm bảo công bằng, hợp lý.