Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế phát triển - Bài 3: Đẩy mạnh khai thác thị trường Trung Quốc

Theo Bộ NN-PTNT, sau một thời gian đóng băng do ảnh hưởng dịch Covid-19, kể từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng thần tốc và dự báo còn gia tăng mạnh trong thời gian tới.

Nhu cầu lớn

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê và Bộ NN-PTNT cho biết, trong 11 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam đạt 47,84 tỷ USD. Tuy so với cùng kỳ năm 2022 thì tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay giảm khoảng 2,7%, nhưng so sánh với hàng loạt nhóm hàng khác (công nghiệp chế biến, nhiên liệu và khoáng sản… bị sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu và giảm nhiều nhất là than đá lên tới 50,7%) thì có thể thấy, nông nghiệp vẫn tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế.

Nông sản trở thành ngành duy nhất có tăng trưởng xuất khẩu, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD. Trong đó, có những ngành hàng có giá trị xuất khẩu tăng trưởng cao như xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính tăng 17,1%.

Trong 11 tháng qua, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23,2%, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2022; thị trường Mỹ chỉ còn chiếm tỷ trọng 20,6%, giảm 17,9%. Trung Quốc đã trở thành khách hàng lớn nhất đối với những mặt hàng này của Việt Nam.

k8a-5720.jpg
Container chở nông sản chờ thông quan sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: THU THỦY

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đánh giá, năm 2023, một trong những nổi bật về mặt hàng xuất khẩu là rau quả với kim ngạch trong 11 tháng đạt tới 5,32 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp đến là mặt hàng gạo xuất khẩu tăng cả lượng lẫn giá trị (đạt 7,75 triệu tấn, tăng 16,2% và đạt 4,4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022).

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá, 2023 là một năm “bội thu” của trái cây xuất khẩu (nhất là sầu riêng). Có thời điểm, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc tăng đột biến tới 161,8%. Hiện, cơ quan chức năng của Việt Nam đang nỗ lực đàm phán với phía Trung Quốc để xuất khẩu thêm 2 mặt hàng chính ngạch là sầu riêng đông lạnh và dừa tươi.

Nếu không có những biến động thị trường, dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt hơn 6 tỷ USD. Cùng với rau quả thì xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng tăng mạnh thời gian qua (tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2022). Tương tự, xuất khẩu các sản phẩm như hạt điều, cà phê, thức ăn chăn nuôi… sang thị trường Trung Quốc cũng tăng rất mạnh, từ 11,4%-42,3%.

Sẽ tiếp tục bùng nổ

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), đến nay, Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả Việt Nam xuất chính ngạch vào Trung Quốc. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đã công bố danh sách hơn 800 doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc; đồng thời đã phê duyệt mã sản phẩm cho 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng, 128 loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác thị trường 1,4 tỷ dân này.

Với mặt hàng thủy sản, mặc dù Bộ NN-PTNT báo cáo kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng năm nay giảm tới 18,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu trụ cột của nhiều sản phẩm thủy sản Việt Nam. Hiện nay, 30% giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam thu về từ thị trường Trung Quốc. Năm nay, Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 7 cho thị trường Trung Quốc.

Còn theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Cường, ngoài trái cây, hiện nay nước ta còn xuất khẩu rau củ, nông sản vụ đông sang Trung Quốc. Năm nay, Trung Quốc mưa lớn kéo dài, xảy ra lũ lụt ở nhiều địa phương, nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đề nghị, để xuất khẩu trái cây, rau củ và nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc, cần tăng cường quy hoạch, cấp mã số chứng nhận vùng trồng, đảm bảo chất lượng để tăng cường xuất chính ngạch. Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành liên quan sẽ tăng cường đàm phán để ký kết các nghị định thư xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cũng như các thị trường tiềm năng.

Thời gian qua, nhiều loại nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có kim ngạch tăng trưởng kỷ lục là nhờ ký được các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch. Đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. Trong tháng 11, các lô tổ yến chính ngạch đầu tiên của Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc.

Để tiếp tục khơi thông cho thị trường xuất khẩu của nhóm nông, lâm, thủy sản, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng khẳng định, Bộ Công thương sẽ phối hợp Bộ NN-PTNT đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

Cùng với đó, các cơ quan chức năng của hai bên sẽ làm việc, điều tiết tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề nghị Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT tiếp tục đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm ký kết nghị định thư đối với các loại trái cây còn lại, để giảm bớt thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, mở rộng danh mục nông sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục