Trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ và Indonesia sẽ tăng cường hợp tác kinh tế vì sự thịnh vượng chung thông qua việc đầu tư vào các công nghệ quan trọng và mới nổi; các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa phát triển bền vững. Cụ thể, hai bên sẽ hợp tác đa dạng hóa hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu; tăng cường kết nối kỹ thuật số ở các vùng nông thôn Indonesia; đầu tư vào các doanh nghiệp mới nổi của Indonesia; triển khai quan hệ đối tác du lịch; thúc đẩy đầu tư tư nhân từ Mỹ.
Trong lĩnh vực khí hậu, Mỹ và Indonesia công bố nhiều chương trình mới, bao gồm hợp tác về năng lượng và khoáng sản bền vững; hỗ trợ lưới điện năng lượng tái tạo quy mô nhỏ; thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi năng lượng sạch; triển khai các dự án thu hồi và lưu trữ carbon; tăng cường kết nối điện và cải thiện chất lượng không khí ở Đông Nam Á; thăm dò các giải pháp thay thế năng lượng sạch cho tăng trưởng công nghiệp; mở rộng hợp tác về quản lý chất thải. Hai nước nhất trí mở rộng hợp tác an ninh mạng; tăng cường an ninh hàng hải; thúc đẩy hợp tác quốc phòng với việc ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới và đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố. Bên cạnh đó là các chương trình mới nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân, trao đổi chuyên gia giáo dục, văn hóa, y tế…
Sau cuộc đàm phán, một tuyên bố chung cho biết, hai bên đã đồng ý “xây dựng một kế hoạch hành động về khoáng sản quan trọng”. Đây là một nỗ lực nữa của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc mở rộng mua bán khoáng sản với các quốc gia Đông Nam Á để hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Indonesia có nhiều bước phát triển. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Bali vào năm ngoái và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta vào tháng 9 vừa qua. Indonesia có khả năng lưu trữ 8 gigaton carbon (1 gigaton = 1 tỷ tấn) trong các hồ chứa, đồng thời có thể tăng thêm 400 gigaton nếu tận dụng các tầng ngậm nước mặn.