Ngày 7-7 (giờ Việt Nam), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức và dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Tổng thống CHLB Đức Frank Walter Steinmeier và hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel nhằm tăng cường hợp tác song phương về chính trị ngoại giao, thương mại, đầu tư an ninh quốc phòng…
Trong cuộc hội kiến Tổng thống Frank Walter Steinmeier, hai bên đánh giá cao việc hai nước có quan hệ gắn bó lâu đời, hài lòng nhận thấy quan hệ hai nước tiếp tục có những bước phát triển tích cực trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, lao động - dạy nghề và khoa học - công nghệ. Trong nhiều năm liên tục, Đức là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 9 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn thứ 5 trong EU với tổng vốn đăng ký đạt 1,4 tỷ USD hiện nay.
Tổng thống CHLB Đức Frank Walter Steinmeier cho rằng, hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sắp được ký kết và dự án Ngôi nhà Đức tại TPHCM sẽ đi vào hoạt động trong quý 3 năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn phía Đức khuyến khích các tập đoàn hàng đầu cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như chế biến, chế tạo, năng lượng sạch, công nghiệp thực phẩm...; khẳng định Việt Nam sẽ tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Đức hoạt động lâu dài tại Việt Nam.
Trong hội đàm giữa Thủ tướng Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác hiệu quả đang có như Nhóm điều hành chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao, đối thoại Nhà nước pháp quyền và Tổ công tác trong các lĩnh vực kinh tế - đầu tư, khoa học - công nghệ, nhằm triển khai thực chất Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau; duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức và diễn đàn đa phương. Phía Đức cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam phát triển quan hệ với EU, cũng như thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU; tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp xúc với nhau nhiều hơn tại các diễn đàn doanh nghiệp song phương nhân dịp các chuyến thăm cấp cao hoặc tại các diễn đàn kinh tế toàn cầu.
Với tư cách là nước đầu tàu trong EU, có kinh nghiệm xử lý các tranh chấp trên biển, Đức khẳng định ủng hộ tự do hàng hải trên biển Đông, ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam giải quyết các tranh chấp tại biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).