Tạo niềm tin cho người tiêu dùng
Hầu hết các tiểu thương triển khai dán tem QR Code ở chợ Mới - Hòa Thuận (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đều ủng hộ chủ trương của thành phố.
Đã buôn bán hơn 30 năm, tiểu thương Hà Thị Liên (SN 1968, ngành hàng thực phẩm, lô 11, chợ Mới - Hòa Thuận) cho biết, việc dán tem QR Code nhằm xây dựng thương hiệu, phòng chống có hàng giả, đảm bảo an toàn thực phẩm. Dán tem QR Code là quyền lợi của mình, khẳng định uy tín chất lượng bảo đảm của sản phẩm thực phẩm mình làm ra hoặc kinh doanh.
Theo tiểu thương Trần Thị Thơ (SN 1951, lô 15, chợ Mới - Hòa Thuận), việc dán tem QR Code giúp chị cảm thấy tự tin hơn khi trao đổi với khách hàng về sản phẩm mình đang bày bán và cũng nhận được sự tin tưởng hơn từ các du khách. Khách hàng lựa chọn mua hàng khỏi phải lo lắng về hàng giả, hàng trôi nổi.
“Thực tế hiện nay nhiều người tiêu dùng lựa chọn đến các siêu thị mua thực phẩm. Dù trong siêu thị giá cao hơn 1 chút, nhưng có cam kết và truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Thông qua dán tem QR Code, tiểu thương kinh doanh thực phẩm mong muốn đây sẽ là một tiêu chuẩn để chuẩn hóa sản phẩm, để khẳng định chất lượng và củng cố niềm tin với người tiêu dùng”, bà Thơ nói.
Để kiểm tra về sản phẩm, người tiêu dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng quét mã vạch trên điện thoại di động và tiến hành quét mã vạch là xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Bà Trần Thị Nhơn (người dân quận Hải Châu) bày tỏ sự hài lòng khi nhiều mặt hàng được bày bán tại chợ mới Hòa Thuận nay được dán tem QR Code.
“Việc dán tem QR Code nên triển khai từ sớm bởi khi đi du lịch, tôi luôn có thói quen quét mã QR Code để xem thông tin. Trên tem có chứng nhận là tem do cơ quan quản lý nhà nước phát hành đảm bảo chất lượng, nhờ vậy tem dán cũng như một hình thức để PR về uy tín sản phẩm của tiểu thương”, bà Nhơn chia sẻ.
Tăng trách nhiệm đơn vị sản xuất, kinh doanh
Để triển khai dán tem QR Code tại các chợ quận Hải Châu, ông Đặng Ngọc Vinh, Trưởng ban quản lý các chợ quận Hải Châu cho biết, đơn vị nghiên cứu xác định sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế để áp dụng tem QR Code truy xuất nguồn gốc; tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền vận động và hướng dẫn cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp để đăng ký thực hiện dán tem QR Code. Cạnh đó, tại các chợ, đơn vị phối hợp với UBND quận Hải Châu đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng wifi được phủ sóng hết phạm vi khu kinh doanh thực phẩm để khách hàng, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất quét mã QR Code sản phẩm, hàng hóa khi mua bán tại chỗ.
Theo bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch quận Hải Châu, nhìn chung, việc triển khai dán tem QR Code không phải là mới trên thị trường. Tuy nhiên với những sản phẩm thực phẩm như mắm, chả, nem, thủy sản... được chiết từ bao bì lớn của những hộ sản xuất lẻ thì việc kiểm soát truy xuất nguồn gốc bằng dán tem QR Code là mới triển khai.
Tiểu thương lấy hàng về bán tự chia bao bì thì chịu trách nhiệm dán tem vào đó để biết nguồn gốc, nếu có vấn đề về an toàn thực phẩm thì có thể nhanh chóng truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, điều này từng bước giúp người dân, tiểu thương hiện đại hóa công nghệ thông tin trong kinh doanh, mua bán.
“Việc dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm là rất thiết thực và hiệu quả trong thời đại công nghệ 4.0, bước đầu góp phần kiểm soát nguồn gốc chất lượng thực phẩm cung ứng vào các chợ. Trung bình phát 1.000 tem cho 1 hộ. Chúng tôi đang hướng đến làm sao để hộ tiểu thương ý thức được và người tiêu dùng quét QR – Code thường xuyên, lâu dài”, bà Lợi cho hay.
Sáng 2-6, UBND quận Hải Châu triển khai dán 48.000 tem QR code nhằm truy xuất nguồn gốc xuất xứ lên sản phẩm đang được bày bán tại chợ Mới- Hòa Thuận (phường Hòa Thuận Đông) và chợ Nguyễn Tri Phương (phường Hòa Cường Bắc). |