Theo đó, đoạn video clip ghi lại cảnh một nữ phụ huynh học sinh tự xưng tên là T. đứng trên bục giảng chất vấn các phụ huynh ngồi bên dưới với những lời lẽ khó nghe như “Những phụ huynh khó khăn đừng theo chung lớp bán trú này vì sợ hoàn cảnh khó khăn đóng góp không có nổi”, “Mẹ M.T em đứng lên, đọc tên cho chị nghe. Chị nhớ mặt em, hoàn cảnh rất khó khăn, đi chiếc xe đạp rất tội nghiệp, em đứng lên cho mọi người thấy mặt. Em đứng lên, nói tên con em, em nói lớn lên... Hoàn cảnh em có khó khăn không? Chị có nói với em rằng cuối năm đừng theo lớp này không? Nhưng tại sao em vẫn theo? Em nói lớn lên cho cô hiệu trưởng nghe. Tại sao ngày hôm nay em đóng góp như vậy mà đến nay em không một tiếng nào?”…
Trao đổi với PV Báo SGGP chiều 12-10, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho biết, sự việc xảy ra tại buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm tại lớp 3/10, Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) vào cuối tháng 9-2022.
Hiện nay, Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp đã có báo cáo gửi Sở GD-ĐT TPHCM và UBND quận Gò Vấp cũng như rút kinh nghiệm chung cho tất cả đơn vị trường học trên địa bàn. Theo đó, khi xảy ra tình huống liên quan đến phụ huynh, trường học cần có phản ứng nhanh nhẹn trên cơ sở tôn trọng phụ huynh nhưng không làm mất đi hình ảnh sư phạm tốt đẹp của môi trường giáo dục.
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, ngày 11-10-2022, Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp nhận được thông tin về đoạn clip trong phiên họp phụ huynh học sinh lớp 3/10, Trường Tiểu học An Hội, đầu năm học 2022- 2023.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng GD-ĐT đã yêu cầu hiệu trường nhà trường báo cáo giải trình về nội dung đoạn clip. Cùng ngày, Trường Tiểu học An Hội đã báo cáo giải trình nội dung vụ việc.
Cụ thể, trong thời gian khoảng cuối tháng 8-2022, bà P.T.K.T., nguyên Phó ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS) lớp 2/7 năm học 2021-2022 (nay là lớp 3/10 năm học 2022-2023) đến gặp hiệu trưởng đề nghị đại diện cho nhóm mạnh thường quân của lớp tặng cho trường 14 triệu đồng và một máy lọc nước uống đặt tại lớp 3/10 cho học sinh uống.
Hiệu trưởng đã xin ý kiến Hội đồng sư phạm, đồng ý tiếp nhận máy lọc nước, còn tiền đưa vào quỹ hoạt động khuyến học của trường.
Tuy nhiên sau đó, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/10 báo cáo, phụ huynh nói trên đang vận động đại trà cha mẹ học sinh lớp đóng góp để mua sắm một số cơ sở vật chất cho lớp và đóng góp cho nhà trường. Trước hành động này, giáo viên chủ nhiệm và BĐD CMHS cũ của lớp đã lên tiếng ngăn cản nhưng bà T. không nghe, đưa một số phụ huynh ra khỏi group zalo của lớp.
Vì vậy, hiệu trưởng đã thông báo với Hội đồng sư phạm sẽ trả lại khoản tiền trên cho CMHS lớp 3/10 vì không phải của mạnh thường quân cho tặng.
Ngoài ra, ông P.V.D., Trưởng BĐD CMHS trường cũng nhận được phản ánh từ phụ huynh về việc bà T. lạm dụng quyền để lạm thu, thu đổ đồng học sinh nên hiệu trưởng đã cùng Trưởng BĐD CMHS trường làm việc với bà T. về việc làm không đúng của bà và phân tích những hậu quả xảy ra, yêu cầu bà trả lại các khoản tiền đã thu của CMHS lớp, những khoản đã chi phải chịu trách nhiệm đền bù.
Ngoài ra, hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hội đã nhắc nhở bà T. ngưng lại mọi vận động thu - chi, thực hiện đúng theo Thông tư 55/2011/TT - BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ BĐD CMHS.
Trong phiên họp CMHS đầu năm học 2022-2023 của lớp 3/10, hiệu trưởng và Trưởng BĐD CMHS trường đã đến cùng dự họp với CMHS lớp để kiểm tra việc bà T. giải quyết việc lạm thu theo yêu cầu của hiệu trưởng và Trưởng BĐD CMHS trường.
Trong buổi họp, một phụ huynh khác đã phát biểu về những hành động sai trái của bà T. gồm lạm thu, thu đổ đồng, cô lập phụ huynh và học sinh khác bằng cách lấy ý kiến của CMHS lớp đề nghị nhà trường đưa học sinh khó khăn ra học lớp khác…
Bà T. giải trình các việc làm nói trên xuất phát từ mong muốn học sinh của lớp có điều kiện học tập và sinh hoạt tốt hơn, sau đó bà T. đọc tên một số CMHS có hoàn cảnh khó khăn và đặt câu hỏi “Việc đóng góp vậy có nên cho con ở lại học trong lớp không?”.
Theo báo cáo của Trường Tiểu học An Hội, do muốn nghe ý kiến của các CMHS nên hiệu trưởng đã nghe đến hết trường hợp thứ 3 thì yêu cầu bà T. ngưng lại và khẳng định với CMHS của lớp là nhà trường không có quan điểm như vậy.
“Trường đã sắp xếp học sinh vào lớp thì cha mẹ có đóng góp vào chương trình hoạt động của BĐD CMHS lớp hay không, học sinh vẫn được học tại lớp như các bạn. Những gia đình khó khăn sẽ được hỗ trợ của CMHS lớp và nhà trường chứ không nên vận động đóng góp như mọi người; vận động không được đổ đồng”.
Ngoài ra, hiệu trưởng cũng nhắc lại cho CMHS lớp các quy định theo Thông tư 55/2011/TT - BGDĐT của Bộ GD-ĐT về những khoản BĐD CMHS không được vận động quyên góp của người học hoặc gia đình người học, gồm các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của BĐD CMHS.
Trưởng BĐD CMHS trường đã yêu cầu bà T. bàn giao tất cả số tiền cho BĐD CMHS mới, công khai các chứng từ cho CMHS, nếu CMHS yêu cầu lấy lại tiền thì bà T. phải hoàn trả lại cho CMHS đã đóng góp.
Cũng tại buổi họp CMHS, bà T. không được tái đắc cử vào BĐD CMHS lớp năm học 2022-2023. Sau buổi họp, nhà trường phát hiện một phụ huynh đăng tải đoạn clip tự quay được (không xin ý kiến CMHS lớp) lên TikTok.
Cán bộ quản lý nhà trường đã mời phụ huynh nói trên lên trường để hỏi về mục đích đăng đoạn clip. Sau khi được cán bộ quản lý nhà trường phân tích, phụ huynh này đã xóa bỏ đoạn clip.
Tuy nhiên, sau đó do mối quan hệ riêng giữa các phụ huynh, đoạn clip lại một lần nữa được đăng lên Tiktok.
Qua sự việc, nhà trường đã thông tin, tuyên truyền đến tất cả các giáo viên, nhân viên, BĐD CMHS trường và các lớp về Thông tư 55/2011/TT - BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.