Tối 4-1 (giờ địa phương), Đài RT dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cho biết tất cả 8 tên lửa đạn đạo chiến thuật lục quân (ATACMS) được các lực lượng của Ukraine sử dụng trong cuộc tấn công nêu trên đều bị bắn hạ, nhưng không cung cấp thông tin cụ thể về mục tiêu của cuộc tấn công hoặc về bất kỳ thiệt hại hay thương vong nào.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, những tên lửa ATACMS của Ukraine bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không S-400 và Pantsir-SM của Moskva. Phía Nga tuyên bố hành động của Ukraine sẽ “dẫn đến các biện pháp trả đũa”.
Đài RT cho biết thêm trong vài tuần qua, các lực lượng của Ukraine đã sử dụng nhiều loại vũ khí do phương Tây cung cấp, bao gồm tên lửa đạn đạo ATACMS của Mỹ và tên lửa SCALP-EG/Storm do Pháp và Anh cung cấp, liên tục tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Liên bang Nga.
Các cuộc tấn công diễn ra sau khi một số quốc gia phương Tây hỗ trợ Kiev dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa mà họ đã cung cấp.
Trước đây, Ukraine đã sử dụng tên lửa ATACMS và SCALP-EG/Storm Shadow của Pháp - Anh để tấn công các mục tiêu ở bán đảo Crimea và các khu vực tại miền Đông nước này.
Thời điểm đó, chính quyền Tổng thống Biden đã từ chối yêu cầu của Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để mở rộng các cuộc không kích do lo ngại về khả năng leo thang chiến tranh với Liên bang Nga.
Báo chí Mỹ ngày 17-11-2024 trích dẫn các nguồn tin trong chính quyền cho biết Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công vào các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Liên bang Nga và việc này được Nhà Trắng chính thức xác nhận vào ngày 25-11-2024.
Tiếp đó vào ngày 18-11, truyền thông Nga dẫn thông tin từ nhật báo Le Figaro, Pháp và Anh đã cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa của hai nước này cung cấp.
Về phía Liên bang Nga, Moskva (Moscow) đã nhiều lần cảnh báo rằng những cuộc tấn công như vậy khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu trở thành một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột, đồng thời chỉ ra rằng Ukraine sẽ không thể triển khai các vũ khí chính xác cao như vậy nếu không có sự tham gia của các chuyên gia phương Tây.
Liên bang Nga đã thực hiện các cuộc tấn công trả đũa vào nhiều mục tiêu trên khắp Ukraine để đáp trả các cuộc tấn công này.
Vào ngày 21-11-2024, Nga cũng đã thử nghiệm hệ thống tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung mới có tên Oreshnik trong điều kiện chiến đấu. Hệ thống này được sử dụng để tấn công Yuzhmash, một nhà máy công nghiệp quân sự lớn của Ukraine.
Phát biểu trong cuộc họp tổng kết cuối năm của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga hôm 16-12-2024, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Trong tương lai gần, cần đảm bảo sản xuất hàng loạt các hệ thống như vậy để bảo vệ an ninh của Liên bang Nga và các đồng minh của chúng ta”.
Liên quan tới tên lửa Oreshnik, hãng thông tấn nhà nước của Liên bang Nga TASS cho biết thêm, tại cuộc họp với các quan chức quốc phòng hôm 16-12-2024, ông Putin còn nói rằng hệ thống tên lửa đạn đạo siêu vượt tầm trung Oreshnik là một vũ khí vô cùng mạnh mẽ và việc sử dụng đồng thời nhiều hệ thống như vậy sẽ có thể so sánh với vũ khí hạt nhân.
Theo Tổng thống Liên bang Nga, đây là một yếu tố rất quan trọng trong việc Moskva quyết định sử dụng loại vũ khí nào trong hoàn cảnh hiện đại.
Phát biểu sau thông tin Liên bang Nga sử dụng tên lửa siêu vượt âm tấn công thành phố Dnipro vào sáng 21-11-2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng Moskva đang biến Ukraine thành bãi thử.
Ông Zelensky nói trong một video đăng trên mạng xã hội X tối 21-11-2024: “Hôm nay (ngày 21-11), đó là một loại tên lửa mới của Liên bang Nga. Tốc độ và độ cao cho thấy khả năng của tên lửa đạn đạo liên lục địa. Các cuộc điều tra đang được tiến hành”.
Tổng thống Ukraine cũng nhấn mạnh rằng Liên bang Nga đang tìm cách mua sắm tên lửa mới từ nhiều quốc gia trên thế giới.