Quân đội Nga giành quyền kiểm soát thành phố Melitopol của Ukraine

Ngày 26-2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov thông báo, các lực lượng vũ trang Nga đã giành quyền kiểm soát thành phố Melitopol, miền Nam Ukraine.

Phát biểu với báo giới, Thiếu tướng Konashenkov nói: "Các đơn vị của Lực lượng vũ trang Nga đã giành được toàn bộ quyền kiểm soát thành phố Melitopol".

Ông Konashenkov nhấn mạnh các binh sĩ Nga đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho dân thường và loại trừ các hành động khiêu khích của các cơ quan đặc nhiệm và những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine".

Cùng ngày, hãng thông tấn Interfax dẫn lời đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho hay, binh lính nước này đã sử dụng các tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến và máy bay để tấn công các mục tiêu quân sự ở Ukraine.

Quân đội Nga giành quyền kiểm soát thành phố Melitopol của Ukraine ảnh 1 Xe tăng Ukraine trên một tuyến phố ở Kiev làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố. Ảnh: Getty Images 

Về phần mình, cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Myhailo Podoliak cho biết, sáng nay, lực lượng Nga đã cố chuyển tối đa thiết bị quân sự vào Kiev, song tình hình ở ngoại ô và khu vực lân cận đang được kiểm soát.

Hội đồng châu Âu tạm đình chỉ tư cách thành viên của Nga



Ngày 25-2, Hội đồng châu Âu thông báo sẽ tạm đình chỉ mọi sự tham gia của Nga tại cơ quan này liên quan chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine.


Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ theo điều 8 Quy chế của cơ quan này, đa số đại diện thường trực của 47 quốc gia thành viên đã "nhất trí đình chỉ quyền đóng góp đại diện của Liên bang Nga tại Hội đồng châu Âu".

Thông báo trên được Hội đồng châu Âu đưa ra sau một cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Strasbourg (Pháp). Theo tuần báo Der Spiegel (Đức), Azerbaijan đã không tham gia bỏ phiếu, trong Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu trắng, còn Nga và Armenia bỏ phiếu phản đối quyết định này. 

Quyết định trên sẽ có hiệu lực ngay lập tức, trong đó bao gồm cả quyền góp mặt của Nga tại Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE). Tuy nhiên, sự hiện diện của Nga tại Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) - cũng là một thực thể thuộc Hội đồng châu Âu - vẫn được bảo toàn. Theo đó, thẩm phán Nga vẫn là thành viên của ECHR và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ tiếp tục được tòa án này xem xét và quyết định.

Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ: "Việc đình chỉ không phải là biện pháp cuối cùng mà chỉ là giải pháp tạm thời, theo đó vẫn để ngỏ các kênh đối thoại". Điều 8 trong Quy chế của Hội đồng châu Âu cho phép cơ quan này đình chỉ quyền đại diện và sau đó có thể khai trừ một nước thành viên.

Nga là thành viên của Hội đồng châu Âu từ năm 1996. Trước đó, hồi tháng 4-2014, PACE đã phê chuẩn các nghị quyết đình chỉ quyền biểu quyết của phái đoàn Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea. 

Đáp lại, Nga chủ động rút khỏi PACE vào cuối năm 2015 và sau đó ngừng đóng góp tài chính cho ngân sách của Hội đồng châu Âu. Tư cách thành viên của Nga tại cơ quan này đã được khôi phục hoàn toàn vào năm 2019, dưới vai trò trung gian hòa giải của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tin cùng chuyên mục