Tuy nhiên, phát biểu trên đài phát thanh France Info mới đây, Đại sứ Pháp tại Kiev Gael Veyssiere cho biết chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron dự định tiếp tục duy trì chiến lược hỗ trợ Ukraine nhưng Paris có ý định thúc đẩy ngành công nghiệp quân sự của Ukraine, thay vì tiếp tục gửi trang thiết bị cho quốc gia Đông Âu này thông qua quyên góp hoặc mua bán.
Theo đó, năm 2024 sẽ là “năm mà hoạt động sản xuất vũ khí ở Ukraine phải tăng lên và là lúc mà Ukraine ngày càng phải có khả năng dựa vào nguồn tài nguyên của chính họ, được sản xuất trên lãnh thổ của họ”. Phát biểu của Đại sứ Pháp được cho là tương tự quan điểm được Washington áp dụng trong nhiều tháng qua, khi Mỹ và các đồng minh cạn kiệt kho vũ khí mà họ có thể gửi tới Ukraine. Theo tờ Politico, chính quyền Washington có ý định khôi phục tổ hợp công nghiệp - quân sự của Ukraine càng sớm càng tốt để Kiev có thể tự sản xuất các loại vũ khí cần thiết.
Trong khi đó, ngày 4-1, Trung tướng Sergiy Nayev, Tư lệnh các lực lượng liên hợp của các lực lượng vũ trang Ukraine, chỉ huy các đơn vị phòng không cơ động ở Kiev và khu vực Bắc Ukraine cho biết, lực lượng phòng không cơ động của nước này chỉ còn đủ đạn dược để chống chọi với vài cuộc tấn công lớn nữa.
Diễn biến mới xuất hiện trong bối cảnh Bộ Tài chính Ukraine mới đây công bố số liệu cho thấy trong năm 2023, thâm hụt ngân sách hàng năm của nước này đã lên tới 1.330 tỷ hryvnia (35 tỷ USD), tăng 46% so với năm trước đó. Ukraine đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ kinh tế từ phương Tây và phải đối mặt với sự không chắc chắn về nguồn vốn trong năm 2024.
Chính phủ dự kiến thâm hụt ngân sách khoảng 43 tỷ USD trong năm 2024 và có kế hoạch trang trải khoản thâm hụt này bằng khoản vay trong nước và viện trợ tài chính từ các đối tác phương Tây.