“Tôi xác nhận - nếu Tổng thống Vladimir Putin, Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Nga, nếu quân đội của chúng ta tuyên bố rằng chúng ta cần đạn dược đặc biệt cho một số tàu sân bay nhất định, thì loại vũ khí đó sẽ được triển khai. Nhưng quyết định này phải được đưa ra dựa trên sự kết hợp của nhiều yếu tố. Tôi không loại trừ khả năng sẽ đến lúc cần đến điều đó”, hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của ông Ryabkov trên kênh truyền hình Rossiya 1 hôm 4-8.
Trước đó, theo thông cáo báo chí chung của Washington và Berlin, Mỹ sẽ bắt đầu triển khai theo đợt hỏa lực tầm xa của Lực lượng đặc nhiệm đa miền tại Đức vào năm 2026, bao gồm tên lửa phòng không SM-6 có tầm bắn lên tới 460km và tên lửa hành trình Tomahawk, được cho là có thể tấn công các mục tiêu ở cách xa hơn 2.500km.
Nhà Trắng cho biết “vũ khí siêu vượt âm đang phát triển” cũng sẽ được đặt ở Đức và sẽ có “tầm bắn xa hơn đáng kể so với các vũ khí trên đất liền hiện nay ở châu Âu”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Sebastian Fischer cho biết kế hoạch triển khai các vũ khí này là nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí của Nga nhằm vào Đức hoặc các mục tiêu khác. Đây là một phần trong các nỗ lực nhằm duy trì sự cân bằng chiến lược ở châu Âu, nơi đã chứng kiến sự gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
Ngày 28-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo nếu nếu tên lửa tầm xa của Mỹ xuất hiện ở Đức, Nga sẽ không còn tuân thủ lệnh tạm dừng đơn phương về việc triển khai vũ khí tấn công tầm trung và tầm ngắn, bao gồm cả việc tăng cường năng lực cho các lực lượng ven biển của hải quân nước này. Ông ám chỉ rằng Nga có thể khôi phục các vũ khí đó, đặc biệt là sau khi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) bị đình chỉ vào năm 2019.