Đồng chí Lê Văn Thinh, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân, nhấn mạnh, việc ban hành đề án nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại; đồng thời chủ động xác định nhu cầu trường lớp trước áp lực tăng dân số để đảm bảo đủ chỗ học cho con em người dân trên địa bàn.
“Hụt hơi” với tăng dân số cơ học
Năm 2021, quận Bình Tân đặt chỉ tiêu xây dựng mới 30 phòng học, nhằm giải quyết nhu cầu về chỗ học không ngừng tăng lên mỗi năm ở quận. Về việc này, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt khẳng định, những năm qua, Quận ủy, UBND quận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển trường lớp trên địa bàn nhằm đảm bảo giải quyết đủ chỗ học cho toàn bộ con em người dân ở quận trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi). Trong đó, giai đoạn 2015-2020, quận đã xây dựng 16 trường học và cải tạo, mở rộng 23 trường học với gần 500 phòng học xây mới. Điều này góp phần tăng dần các chỉ tiêu về trường lớp ở quận.
Tuy nhiên, số phòng học hiện tại ở quận vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về chỗ học cho học sinh trên địa bàn, đồng thời chưa đáp ứng về sĩ số học sinh/lớp, không đáp ứng được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học theo yêu cầu của TPHCM.
Cụ thể, toàn quận hiện có 130.162 học sinh và 159 điểm trường học các cấp, với 3.762 phòng học. Số học sinh đông nên ở khối công lập, sĩ số học sinh mỗi lớp tiểu học trung bình 42,5 học sinh/lớp, trong khi chỉ tiêu là 35 học sinh/lớp.
Tương tự, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày ở khối công lập cũng không đạt yêu cầu, trong đó, các lớp tiểu học chỉ đạt 46,5% và cấp THCS chỉ đạt 34,8%. Ngoài ra, phường Bình Trị Đông B hiện vẫn chưa có trường THCS, học sinh trên địa bàn phường phải qua các phường khác học, gây ảnh hưởng đến học sinh, phụ huynh cũng như công tác quản lý.
Sở dĩ xảy ra tình trạng này, theo đồng chí Lê Văn Thinh, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân, quận sau khi được thành lập có tốc độ đô thị hóa nhanh. Đi kèm đó là áp lực tăng dân số cơ học lớn, bình quân mỗi năm tăng từ 28.000-35.000 người. Đến nay, quận có khoảng 800.000 dân.
“Hàng năm, quận đều ưu tiên tập trung xây dựng trường học nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng học sinh các cấp”, đồng chí Lê Văn Thinh nhìn nhận. Đồng thời tốc độ đầu tư trường lớp ở quận chưa đáp ứng còn vì nhiều nguyên nhân, đặc biệt là nguồn vốn còn hạn chế, thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến tiến độ đầu tư xây dựng trường lớp chậm.
Tận dụng đất công xây trường mở lớp
Dự báo trong 5 năm tới, dân số quận Bình Tân sẽ chạm mức 1 triệu người. Đồng chí Lê Văn Thinh thông tin, cũng vì dân số đông và tiếp tục tăng cao gây nhiều áp lực cho địa phương. Chỉ riêng việc đầu tư, xây dựng mới trường học, bố trí học sinh đảm bảo số lượng theo tiêu chuẩn đã là nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng trường lớp nhiệm kỳ qua đã được Quận ủy nhận diện và đề ra giải pháp, kế hoạch khắc phục.
Đó là việc Ban Thường vụ Quận ủy ban hành Đề án thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn quận giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Việc ban hành đề án cũng nhằm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2020-2025 đi vào cuộc sống.
Theo đó, quận lên kế hoạch đầu tư xây dựng 48 dự án trường học các cấp với 1.072 phòng học từ nay đến năm 2025 và từng bước phấn đấu để đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Để thực hiện chỉ tiêu này, đề án xác định các giải pháp cụ thể, nhất là chú trọng việc tập trung giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án xây mới trường học. Cùng với đó, quận nhấn mạnh đến nhiệm vụ đảm bảo tiến độ giải ngân đầu tư công, xem kết quả giải ngân là tiêu chí đánh giá thi đua để xem xét chi thu nhập tăng thêm cho các cá nhân tham gia thực hiện dự án.
Một giải pháp quan trọng khác là việc lựa chọn, đề xuất sử dụng các khu đất công sử dụng không hiệu quả làm quỹ đất xây trường, mở lớp. Trước mắt, quận đã rà soát và kiến nghị UBND TPHCM xem xét, giải quyết di dời Quận đoàn, Nhà Thiếu nhi quận và lấy nhà đất (số 26 đường số 16, khu phố 2 phường An Lạc A) xây dựng trường tiểu học.
Ngoài ra, UBND quận cũng kiến nghị UBND TPHCM, Ban Chỉ đạo 167 TPHCM chấp thuận thu hồi và giao quận Bình Tân sử dụng khu đất 50A Hồ Học Lãm, phường An Lạc (rộng gần 17.700m2) để đầu tư xây dựng trường tiểu học.
Theo đồng chí Lê Văn Thinh, trong số 1.072 phòng học mới dự kiến xây dựng từ nay đến năm 2020 có 831 phòng học được thực hiện từ nguồn ngân sách. Số còn lại (241 phòng học của 7 trường tiểu học và 1 trường THCS) sẽ do chủ đầu tư các dự án thực hiện. Quận Bình Tân cũng kiến nghị UBND TPHCM và các sở ngành sớm xem xét, phê duyệt các dự án cũng như sớm phê duyệt chủ trương đầu tư để đưa vào kế hoạch trung hạn 2021-2025, nhằm tạo điều kiện để quận thực hiện quy hoạch, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn.
“Thời gian tới, số lượng học sinh các cấp trên địa bàn quận sẽ tiếp tục tăng cao, áp lực về đáp ứng yêu cầu trường lớp càng cấp bách. Do đó, công tác đầu tư xây dựng trường lớp cần tập trung hơn nữa nhằm đảm bảo đủ chỗ học cho toàn bộ con em người dân trong độ tuổi đến trường, hướng đến hoàn thành chỉ tiêu theo quy định và chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2020-2025”, đồng chí Lê Văn Thinh nhấn mạnh.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Tân, quận đã hoàn thành phê duyệt thiết kế, dự toán và được bố trí vốn khởi công 17 dự án trường học (với 482 phòng học mới). Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án này đang được thực hiện và quận sẽ khởi công ngay khi có mặt bằng. Bên cạnh đó, quận đang trình TPHCM phê duyệt chủ trương đầu tư và đưa vào kế hoạch trung hạn 2021-2025 với 13 dự án khác, với tổng số 73 phòng học. Vừa qua, quận có rà soát lại và xác định 10 dự án (với 246 phòng) có tính khả thi cao nên sẽ trình TPHCM chấp thuận cho lập chủ trương đầu tư để đưa vào kế hoạch trung hạn 2021-2025, nhằm đảm bảo thực hiện đề án xây dựng, phát triển trường lớp của quận. |