Quán “Sau Coffee” trên đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), với diện tích khoảng 400m2, từng là nơi lui tới của giới sành cà phê, nay trở thành nơi bán thịt tươi sống và rau củ quả.
“Thành phố cho mở lại nhưng chỉ được bán mang về, còn người dân vẫn chưa được đi lại nên quán không có khách. Vợ chồng tôi đành bán tạm ít rau, thịt phục vụ bà con quanh xóm”, anh Thành (chủ quán) chỉ vào những món hàng đang bày bán phân trần. Quanh khu vực này, khá nhiều quán cơm, phở, hủ tiếu… chuyển sang bán các mặt hàng thiết yếu như trứng, rau củ quả.
Tương tự, trên tuyến đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) có khá nhiều quán nướng nay trở thành điểm bán trái cây, rau củ; hay quán lẩu bò chuyển sang bán thịt bò, quán cháo lòng bán thịt heo…
“Tô phở bình thường trước đây chỉ 30.000 đồng, nay lên hơn 100.000 đồng do giá nguyên liệu tăng cộng với giá giao tận nhà, liệu có mấy người dân chịu ăn mà chúng tôi mở bán?”, anh Quốc, chủ quán phở Bắc Hải - Hà Nội trên đường Nguyễn Văn Quá, rầu rĩ nói.
Sau khi TPHCM cho tăng số lượng giao hàng công nghệ (shipper) hoạt động và các cửa hàng tiện lợi được mở cửa hoạt động trở lại thì sức mua cũng hạ nhiệt. Trong ngày 12-9, chuỗi cửa hàng Satrafoods đã thực hiện hơn 9.800 combo với tổng giá trị gần 3,4 tỷ đồng.
Hay tại các siêu thị Satramart, số lượng nhân viên thuộc khu vực siêu thị tự chọn tăng từ 10%-25% so với hơn hai tuần trước đây. Nhân lực nhiều hơn đã giúp cho việc nhận, soạn và giao những đơn hàng đến tay người tiêu dùng sớm hơn.
Theo Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức, hiện nay lượng hàng hóa từ các tỉnh về TPHCM vẫn thông suốt, duy trì ổn định, nguồn hàng dồi dào nên giá có xu hướng giảm nhẹ. Ngoài ra, Saigon Co.op có nhiều chương trình “giải cứu” nông sản đang vào mùa nên giá cả rất tốt.
Sở Công thương TPHCM cho biết, đơn vị tiếp tục khẩn trương hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn; đồng thời đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp tiêm vaccine nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực “xanh” để tái sản xuất; hỗ trợ gia tăng lực lượng shipper (theo lộ trình) để bổ sung lực lượng giao nhận hàng hóa ăn, uống mang về.