“Tôi mới nghe thông tin được phép mở bán hàng lại thông qua báo, đài và trên mạng, chưa thấy chính quyền địa phương thông báo, hướng dẫn nên chưa chuẩn bị kịp và cũng không dám mở bán. Cho mở bán lại nhưng người dân vẫn “ai ở đâu ở yên đó” thì bán cho ai. Chưa kể, đặc thù của món phở là nguyên liệu đầu vào phải luôn tươi sống, đủ gia vị, rau thơm… Mấy loại này giờ khó đặt mua lắm, nên tạm thời chưa mở bán lại được”, chị Lan, chủ quán phở Quê Hương trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh cho biết.
Hầu hết các chủ quán bán thức ăn, uống đều có chung tâm trạng là chưa thể bán lại khi TPHCM vẫn trong thời gian tăng cường giãn cách, người dân chưa được ra khỏi nhà, việc mua nguyên liệu để chế biến rất khó khăn.
Hơn nữa, hàng quán dạng này trước giờ rất ít chủ quán xin giấy phép kinh doanh, trong khi đây là điều kiện bắt buộc và phải đăng ký với chính quyền nơi mở bán, nên sẽ rất ít quán đủ điều kiện. Đối với những quán có thương hiệu, quy mô lớn, có đăng ký kinh doanh lại vướng điều kiện “3 tại chỗ”.
“Việc mở bán lại theo điều kiện của TPHCM đưa ra là phải đảm bảo nhân viên ăn, ở lại, đã tiêm vaccine và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2… Những điều kiện này sẽ làm tăng chi phí. Chủ quán như chúng tôi bán được hộp cơm đến với khách hàng, cộng thêm shipper nữa thì giá phải tăng gấp 3-5 lần. Cụ thể, nếu 1 dĩa cơm tấm cộng hết các chi phí này vào tối thiểu cũng phải 200.000 đồng!”, anh Bình, chủ quán cơm tấm Cây Xoài trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp nhẩm tính.
Hầu hết chủ quán đều cho biết, sẽ đóng cửa thêm đến sau ngày 15-9 mới tính được có mở lại hay không. Bởi hiện nay, với tình cảnh khó khăn trong việc mua nguồn nguyên liệu, chi phí shipper “độc quyền” giao hàng quá cao và các điều kiện quy định khắt khe trong việc được phép kinh doanh, thì mở cửa quán thậm chí không có lợi nhuận mà còn thua lỗ là rất cao.
Trong sáng 9-9, một số cửa hàng như: Co.op Food, Bách hóa Xanh, Con Cưng, Circle K… cũng đã mở cửa đón khách hàng. Tuy nhiên, lượng khách hàng đến mua cũng chỉ lác đác, chủ yếu người có giấy đi đường công tác, tiêm vaccine… Do lượng khách không nhiều nên hầu hết cửa hàng nhập hàng lên kệ khá khiêm tốn và không tươi ngon.
“Siêu thị của chúng tôi chủ yếu bán cho cán bộ đến mua “đi chợ giúp” người dân theo thực đơn, chứ người dân chưa được đi lại nên gần như không có ai vào mua”, nhân viên siêu thị Co.op Food trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh cho biết.
Do lượng khách hàng không quá đông nên một số nơi, nhân viên siêu thị đã cho khách hàng trực tiếp vào, ra siêu thị lựa chọn hàng mà không tuân thủ đúng quy định 5K. Điều này nếu không được kiểm soát chặt sẽ dễ mất cảnh giác, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong thời gian tới, khi việc đi lại của người dân sẽ được nới lỏng với nhiều đối tượng được phép ra đường.
Tối 8-9, UBND TPHCM chính thức cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", thông qua đặt hàng trực tuyến và giao qua shipper. Các cơ sở kinh doanh phải đăng ký với địa phương để được cấp giấy đi đường, đảm bảo lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và test nhanh âm tính 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người. Đây là điều kiện bắt buộc, nhưng cũng là nguyên nhân các “quán ăn đường phố” khó có thể đáp ứng để mở cửa trở lại. |