Sáng 11-5, đoàn lãnh đạo TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận 7. Cùng dự có đồng chí Lê Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM và lãnh đạo các sở, ngành.
Quản lý thông minh xứng tầm đô thị kiểu mới
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận xét, điểm nổi bật của quận là có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Đây cũng là nơi có thị trường bất động sản phát triển thuộc top đầu của TPHCM. Từ sau khi khu đô thị Phú Mỹ Hưng ra đời, quận đã trở thành khu vực tâm điểm của mô hình đô thị kiểu mới và thu hút nhiều người nước ngoài đến sinh sống, làm việc.
Quận cũng có cơ cấu kinh tế quận chuyển dịch cực nhanh. Khi mới thành lập, nông nghiệp chiếm trên 90% nhưng đến nay kinh tế quận 7 phát triển theo hướng thương mại - dịch vụ và công nghiệp, trong đó ngành thương mại - dịch vụ chiếm 70,9%, nông nghiệp chỉ còn 1%.
Đồng chí Bí thư điểm qua những kết quả nổi bật của quận trong thời gian qua và biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận 7.
Trong triển khai, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, theo Bí thư Thành ủy TPHCM, quận 7 đã sự chủ động xây dựng, cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội VI của Đảng bộ quận, với nhiều nội dung trọng tâm như: thực hiện cải cách hành chính gắn với xây dựng đô thị thông minh, xây dựng chính quyền điện tử; chỉnh trang phát triển đô thị; phát triển văn hóa, du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Đánh giá quận có sáng kiến, sáng tạo và quyết tâm của quận mang lại kết quả tích cực, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý, tập thể quận cần tiếp tục có những sáng kiến, nỗ lực vượt qua khó khăn để quận tiếp tục phát triển.
Theo đó, quận cần rà soát về những hạn chế, thiếu sót và quyết liệt khắc phục, như thực hiện hiệu quả hơn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phối hợp nâng cao phong trào hơn nữa, gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đồng thời khắc phục tình trạng năng lực đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn trong vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, trong công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân phải gắn liền với các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để ngày càng lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý.
Song song đó cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy lùi tư tưởng chểnh mảng, làm việc làn nhàn, không hiệu quả. Đồng thời kiểm tra, giám sát để uốn nắn cán bộ, đảm bảo trong xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa hay chất lượng sống của người dân thì phải có xem xét đến chất lượng cán bộ. “Muốn làm được điều đó thì mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng chương trình hành động”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhắc lại yêu cầu của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của TPHCM.
Đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của quận 7, đồng chí Nguyễn Văn Nên còn nhấn mạnh đến một số đặc điểm đặc thù của quận và lưu ý quận cần phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Cùng với đó là việc thống kê, rà soát tất cả diện tích đất trên địa bàn và đề xuất quy hoạch, để khai thác phát huy tốt nhất tiềm năng, nguồn lực của quận.
Đặc biệt, quận cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, quản lý đô thị thông minh, xứng đáng là tâm điểm của mô hình đô thị kiểu mới của khu Nam Sài Gòn.
Phát triển y tế, giáo dục chất lượng cao
Tại buổi làm việc, Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái thông tin tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng ở quận, đồng thời nêu nhiều đề xuất, kiến nghị với TPHCM. Trong số đó có kiến nghị TPHCM tập trung chỉ đạo sớm đầu tư những cây cầu kết nối giữa quận 7 với TP Thủ Đức, quận 4, Nhà Bè.
Thông tin thêm, Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết, định hướng phát triển quận 7 từ 10-20 năm tới là phát triển đô thị phía Nam của TPHCM theo hướng phát triển về y tế, giáo dục chất lượng cao. Vì vậy, để hình thành một hệ sinh thái các trường học, đại học, cơ sở khám bệnh, bệnh viện ở địa phương, quận đề xuất khai thác các nguồn quỹ đất phát triển. Đó là việc khai thác 500ha đất, từ chuyển đổi chức năng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị đối với hệ thống cảng dọc sông Sài Gòn, các cụm công nghiệp, khu chế xuất, các khu đất đang khai thác không hiệu quả, khu vực nhà ở hiện hữu ven kênh rạch cần chỉnh trang.
Chủ tịch UBND quận 7 đánh giá, một số khu vực ở quận hiện nay chưa khai thác hết tiềm năng. Chẳng hạn, cụm công nghiệp Phú Mỹ, Khu chế xuất Tân Thuận, với diện tích 450ha nhưng chỉ làm kho bãi, phát triển logistics thì nguồn thu ngân sách cho TPHCM chưa cao. Vì vậy, quận kiến nghị TPHCM chuyển đổi theo định hướng ngành nghề thương mại, dịch vụ chất lượng cao.
Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong cơ cấu sử dụng đất hiện nay, quận còn hơn 149ha đất nông nghiệp. Theo quy hoạch, quận 7 sẽ không còn đất nông nghiệp, tức là được quận 7 được phép điều chuyển diện tích đất này sang mục đích phi nông nghiệp. Đây là nguồn lực quan trọng, nên quận cần nghiên cứu điều chỉnh và sử dụng hợp lý, nhằm tạo ra giá trị thặng dư, góp phần phát triển kinh tế.
Chia sẻ thêm với các kiến nghị của quận, Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM Huỳnh Khắc Điệp bảy tỏ đồng tình về việc xem xét giao về cho quận 7 một số khu đất trên địa bàn. Đó là khu đất trống rộng gần 5.700m² tại phường Tân Kiểng hiện đang nằm “kẹp” giữa 2 trường học, không còn phù hợp để xây dựng trung tâm thương mại, nhà cao tầng. Vì vậy, việc xem xét, có phương án giao về cho quận đầu tư trường học là rất phù hợp. Tương tự, Văn phòng Thành ủy TPHCM cũng nhận thấy việc giao về cho quận khu đất rộng gần 10.500m² tại phường Phú Mỹ (trụ sở UBND quận cũ) xây dựng trường học.
Phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần “như đang có dịch” Theo Phó Chủ tịch UBND quận 7 Nguyễn Thị Bé Ngoan, ở quận có các cụm công nghiệp, khu chế xuất, chợ truyền thống, trung tâm thương mại, ký túc xá sinh viên và nhiều khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân. Đây là những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch Covid-19. Bên cạnh việc thường xuyên lấy mẫu gộp xét nghiệm, quận cũng tập trung tuyên truyền qua ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện quận 7 có 763 tổ Covid-19 cộng đồng với 1.545 thành viên. Ban Chỉ đạo quận đã kích hoạt các tổ này, chia nhỏ thành các nhóm để việc tương tác, chuyển tải thông tin nhanh hơn. Phó Chủ tịch UBND quận 7 Nguyễn Thị Bé Ngoan phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên biểu dương cách quận 7 đã thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 bài bản, có nhiều sáng kiến đã giúp tuyên truyền sâu rộng đến các địa bàn, khu dân cư. Song, tình dịch bệnh hiện vẫn rất phức tạp, nhiều tỉnh thành đang rất vất vả, đòi hỏi có các phong trào quần chúng mạnh mẽ, với ý thức thật cao và nghiêm túc thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Theo đồng chí, trước tình hình dịch bệnh hiện nay đòi hỏi có sự tập trung cao độ hơn, thực hiện phòng, chống theo tinh thần “như đang có dịch”. Đối với người dân cũng không được chủ quan, thực hiện tốt theo khuyến cáo 5K, với tinh thần “như có dịch”, góp phần cho TPHCM giữ vững, không xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng. Quận cũng cần tăng cường quản lý du khách, quản lý thuyền viên; giáo dục, cảnh báo người dân, các cơ sở kinh doanh chấp hành quy định, không che dấu, chứa chấp người nhập cảnh trái phép và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành. Đây cũng là công việc quan trọng, đảm bảo cho việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND TPHCM khóa X, đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng theo kế hoạch. |