Khó khăn về kinh phí
Tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Mỹ Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản, cho biết hiện nay 100% phòng học của trường đều được trang bị tivi màn hình đa điểm chạm.
“Năm học 2023-2024, nhà trường triển khai kho tài nguyên học liệu điện tử, trong đó có giải pháp lưu trữ, sử dụng tài nguyên dùng chung và hệ thống camera hỗ trợ công tác quản trị và kiểm tra, đánh giá thông minh. Tuy nhiên, việc tra cứu, tương tác trên không gian học tập đa phương tiện của giáo viên và học sinh còn hạn chế do thiếu kinh phí thực hiện số hóa dữ liệu, mua sắm trang thiết bị phục vụ thư viện điện tử”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản bày tỏ.
Thừa nhận thực tế này, đại diện Sở Tài chính TPHCM cho biết, hiện nay trường học chưa được cấp kinh phí riêng thực hiện Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời”. Trường học có thể sử dụng kinh phí hoạt động chung từ ngân sách hoặc lập dự toán, đề xuất bổ sung kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị dạy học theo từng hạng mục cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Việt Tú, Phó trưởng Phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM) - thành viên đoàn khảo sát của Ban Văn hóa -Xã hội (HĐND TPHCM), cho rằng việc không có kinh phí riêng thực hiện đề án giáo dục thông minh mà sử dụng chung nguồn kinh phí hoạt động từ ngân sách đặt ra bài toán khó khăn cho các trường học. Bởi nếu chi xài quá nhiều thì cuối năm đơn vị không còn nguồn chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên.
Linh hoạt nguồn tuyển giáo viên
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) Nguyễn Vi Tường Thụy, số lượng giáo viên hiện nay chưa đủ so với định biên được giao.
Trong đó, trường không có vị trí việc làm chuyên trách công nghệ thông tin, trong khi giáo viên tin học kiêm nhiệm phụ trách mảng công nghệ thông tin có quá nhiều tiết dạy trên lớp. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động thực hiện Đề án “Giáo dục thông minh, học tập suốt đời” còn nhiều khó khăn.
Đại diện Trường THCS Nguyễn Văn Tố đề xuất, giải pháp “dùng chung giáo viên” không chỉ thực hiện liên trường mà tới đây có thể triển khai liên quận để tạo thêm nguồn giáo viên cho các đơn vị.
Về phía cơ quan quản lý, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho rằng, ngoài giải pháp dùng chung giáo viên, trường học có thể nghiên cứu triển khai mô hình lớp học số.
Trước đó, TPHCM đã triển khai giải pháp lớp học số ở bậc tiểu học tại 2 huyện Củ Chi và Cần Giờ. Đây là giải pháp giúp học sinh ở các trường ngoại thành, các khu vực gặp khó khăn về nguồn tuyển giáo viên tham gia tiết học các môn tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc với giáo viên ở quận nội thành, qua đó giải quyết tạm thời bài toán thiếu giáo viên.
Ngoài ra, theo Trưởng phòng GD-ĐT quận 10 Nguyễn Thành Văn, các trường tiểu học, THCS có thể sử dụng nguồn giáo viên thỉnh giảng hoặc dùng chung giáo viên cấp THPT (đối với các môn năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật).