PHÓNG VIÊN:Là địa phương đầu tiên cụ thể hóa Quyết định 32, kinh nghiệm của quận là gì, thưa ông?
Chủ tịch UBND quận 1 LÊ ĐỨC THANH: Chúng tôi đặt ra yêu cầu cụ thể, trước hết là nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hè phố theo hướng công khai, minh bạch, ứng dụng chuyển đổi số tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thứ hai là giới thiệu rộng rãi đến cán bộ công chức, người dân, hộ kinh doanh trên địa bàn quận về các ứng dụng tạo sự thuận tiện, giảm chi phí và đảm bảo tính đồng bộ thống nhất dữ liệu. Trên cơ sở triển khai thí điểm, quận cũng sẽ tổ chức đánh giá kết quả thí điểm để hoàn thiện ứng dụng, tổ chức triển khai rộng trên toàn địa bàn.
Các tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa trên địa bàn quận 1, gồm: đường Hoàng Sa (phường Tân Định), đường Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao); đường Hải Triều và đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé); đường Lê Thánh Tôn, đường Phan Bội Châu và đường Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), đường Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), đường Trần Hưng Đạo (các phường: Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), đường Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh), đường Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).
Với các ý kiến trái chiều, quận có giải pháp gì để thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao nhất?
Qua rà soát, nắm bắt tình hình, lấy ý kiến người dân, chúng tôi nhận thấy người dân chưa đồng thuận chủ yếu là do chưa nắm hết đầy đủ các quy định, chưa quen với sự thay đổi. Trước mắt, chúng tôi thí điểm cho sử dụng một phần hè phố có thu phí ở các đoạn, tuyến đường đủ điều kiện, nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Trong quá trình triển khai thí điểm, quận sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân, cử người hỗ trợ người dân thực hiện việc đăng ký. Bên cạnh đó, quận cũng tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp của người dân để hoàn thiện nội dung, triển khai ứng dụng rộng rãi thực hiện đạt hiệu quả.
Để đăng ký sử dụng vỉa hè có trả phí, người dân phải làm thế nào, thưa ông?
Song song với việc ra mắt thí điểm đối với 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa trên địa bàn, quận 1 ra mắt phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố quận 1”. Sau khi đăng ký phần mềm này, người dân có thể tra cứu nhanh chóng chức năng hè phố tại vị trí số nhà cụ thể trên địa bàn quận, thông qua bản đồ số hè phố được tích hợp tất cả các đối tượng hiện hữu trên hè phố như vật liệu hè phố, cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật… để phục vụ cho việc tra cứu dễ dàng thuận tiện.
Với các trường hợp vi phạm trong sử dụng vỉa hè hoặc có hành vi lợi dụng chủ trương để trục lợi (nếu có), địa phương sẽ xử lý ra sao?
Trong quá trình triển khai, dự báo có các trường hợp vi phạm như sử dụng vượt diện tích, sử dụng làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, hoặc có dấu hiệu trục lợi qua việc không đăng ký sử dụng trên phần mềm. Quận sẽ xử lý vi phạm theo quy định. Chúng tôi cũng xác định trách nhiệm của chủ tịch UBND các phường trong quản lý địa bàn nếu để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng.
Tính đến sáng 13-5, sau 5 ngày triển khai thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa, quận 1 đã tiếp nhận 50 trường hợp đăng ký sử dụng một phần vỉa hè có thu phí. Các tuyến đường được người dân, doanh nghiệp đăng ký sử dụng đông nhất là vỉa hè đường Lê Thánh Tôn và Trần Hưng Đạo.
Trong sáng 13-5, bà Nguyễn Hồng Thúy vừa ký hợp đồng thuê mặt bằng trên đường Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao, quận 1) để mở quán cà phê, ngay sau đó bà dùng ứng dụng “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1” đăng ký thêm 9m2 vỉa hè. Bà Thúy cho biết, trước đây bà muốn thuê mặt bằng ở khu này để kinh doanh nhưng diện tích khá hẹp nên còn chần chừ. Giờ địa phương cho thuê một phần vỉa hè, bà mới chốt thuê mặt bằng. Có thêm diện tích ngoài vỉa hè, bà dễ cải tạo, thiết kế quán phù hợp với nhu cầu và thương hiệu. Bà Thúy thấy vui vì quận 1 tổ chức thu phí qua ứng dụng, vừa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, vừa minh bạch khoản thu; còn người dân và doanh nghiệp thì chủ động được không gian kinh doanh, tránh tình trạng vừa bán hàng vừa lo… chạy.