“Ngày tết với tôi cũng như bao ngày bình thường trong năm thôi, bởi từ khi mất 2 cánh tay thế này, việc lo cái ăn, sinh hoạt hàng ngày đã khó khăn lắm rồi”, chị Đặng Thị Yến, từng làm công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM), bùi ngùi chia sẻ.
Nhưng tết năm nay, chị Yến và nhiều công nhân bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh hiểm nghèo trên địa bàn TPHCM thấy ấm lòng hơn khi được sự chăm lo của chính quyền và các cấp công đoàn. Những phần quà xuân đầy ý nghĩa đã giúp công nhân lao động khó khăn ấy có cơ hội đón một cái tết đủ đầy hơn.
Hầu hết những công nhân có mặt tại chương trình “Xuân nhân ái - Tết yêu thương” đều có cơ thể không lành lặn. Họ là những người phải chịu nỗi đau mang tên TNLĐ. Người bị cụt 2 tay, người vĩnh viễn không còn đôi chân, người tay chân vẫn còn đó nhưng mãi không thể cử động được nữa…
Như chị Đặng Thị Yến, hơn 13 năm trước - khi chị mới tròn 20 tuổi, TNLĐ đã cướp mất đôi tay vốn dĩ khỏe mạnh, là trụ cột gia đình của chị. Từ đó, mọi sinh hoạt của chị Yến phải nhờ đến người mẹ nay đã già yếu. Với số tiền trợ cấp 1,8 triệu đồng/tháng, cuộc sống gia đình chị Yến cứ thiếu trước hụt sau. Hay như anh Nguyễn Hữu Khanh, từng là công nhân Công ty TNHH Xây lắp điện Miền Đông. TNLĐ của 22 năm trước đã biến người đàn ông trụ cột gia đình thành tàn phế khi bị mất một tay và một chân, tỷ lệ thương tật 92%.
Cũng bởi thương tật ấy, nhiều năm qua các anh chị công nhân này không dám nghĩ đến niềm vui ngày tết. Hôm nhận bao lì xì 5 triệu đồng và túi quà tết đầy ắp nghĩa tình của chương trình “Xuân nhân ái - Tết yêu thương”, nhiều anh chị công nhân bị TNLĐ không cầm được nước mắt. “Đây là món quà lớn, giúp gia đình tôi có cái tết đủ đầy hơn”, mẹ chị Yến xúc động nói.
Tết Nguyên đán đã đến gần, không khí xuân đã rộn rã khắp nơi. Nhà nhà, người người tất bật sửa sang đón tết. Nhưng với các bác tài xe ôm thuộc Nghiệp đoàn xe ôm quận 1, nhiều người vẫn không dám nghĩ đến tết. Có mặt tại buổi trao quà tết cho nghiệp đoàn xe ôm, xe xích lô của Liên đoàn Lao động quận 1, ông Võ Văn Dũng với vóc người nhỏ xíu trong chiếc áo bạc màu tâm sự: “Tôi lớn tuổi rồi nên đâu có nghĩ nhiều đến ngày tết. Chỉ thương mấy đứa cháu, còn nhỏ nên đứa nào cũng mong có quần áo mới để mặc trong những ngày tết đến”.
Khi nhận phần quà với các nhu yếu phẩm cho ngày tết cùng bao lì xì, ông Dũng vui lắm. Bởi, với số tiền này ông có thể mua cho các cháu bộ quần áo mới và vợ ông không phải lo những ngày tết trong nhà thiếu gạo để ăn. Niềm vui của ông Dũng cũng chính là cái vui chung của các bác tài đến nhận những phần quà nghĩa tình trong mùa xuân năm nay.
Còn với chị Nguyễn Thanh Huyền (45 tuổi, quê Sóc Trăng), công nhân Khu chế xuất Linh Trung, khi nhận phần quà tết từ Hội đồng hương Sóc Trăng tại TPHCM trao tặng, nước mắt chị cứ rưng rưng: “Quê chỉ cách TPHCM chưa đầy 200km nhưng đã lâu rồi tôi không được về quê đón tết, vì phải ở lại làm thêm kiếm ít tiền để gửi về lo cho ba mẹ già đang bệnh tật”. Năm nay, nhận được quà của quê hương, chị Huyền thấy đỡ nhớ nhà và nghe lòng mình ấm áp khi phải đón tết xa quê.