Quà từ đảo xa

Sau một hải trình dài hơn một tuần, mẹ trở về. Ngân ôm chầm lấy mẹ, hít lấy hít để mùi hương quen thuộc cho đỡ “nghiền”. Mùi hương ấy, mỗi độ mẹ đi xa vẫn khiến Ngân trằn trọc lăn qua lăn lại một lúc mới ngủ nổi. Lần này, trong mùi tóc mẹ còn mang theo cả mùi mặn mòi vị biển.

Còn phải nói, cả đời mẹ chưa bao giờ lênh đênh trên biển lâu ngày đến vậy. Phải mất một ngày rưỡi con tàu lớn mới cập đảo Trường Sa, sau đó quay lại những đảo Sinh Tồn, Đá Tây A, Đá Thị… trên đường về. Những tên đảo, bình thường Ngân vẫn thấy trên bản đồ, trong sách giáo khoa, trong lời cô giáo nói. Giờ thấy trong những thước video ngắn, những hình ảnh có mẹ mình trong đấy, không hiểu sao Ngân xem đi xem lại hoài vẫn thấy lây lan niềm vui.

Thậm chí, niềm vui ấy còn xen vào sự hãnh diện. Như sáng hôm nay, khoe về chuyến công tác của mẹ với đám bạn, bọn chúng tò mò ra trò. Câu chuyện Trường Sa càng gần gũi hơn khi Ngân chìa ra một lọ thủy tinh bé như trái cam có in chữ Trường Sa lên đó, phía trong là những vỏ ốc bé tin hin, đủ sắc màu, là quà của một cô bạn tên My. My bằng tuổi Ngân, học lớp 5 - là lớp học lớn nhất của các bạn nhỏ ngoài đó.

Cô bạn đã mất nhiều buổi chiều đi dọc bãi cát dài tìm loại ốc nhỏ có màu, về cẩn thận rửa sạch, phơi khô trước khi cho vào lọ cất giữ. Những vỏ ốc nhỏ xinh, nhiều sắc màu được đặt lên lớp cát dày mịn Trường Sa, giản dị thế thôi mà không hiểu sao như có sức hút khiến Ngân nhìn đi nhìn lại thật kỹ; càng nhìn càng nhận ra trong sắc màu của cát, của ốc còn có màu của biển xanh, của nắng vàng, của cầu vồng sau cơn mưa biển lấp lánh trong đó.

CN4 MH tryện 29-12.jpg

“Con nhờ cô cảm ơn những người bạn đáng yêu chưa gặp đã gửi sách ra cho tụi con. Món quà này nhỏ vậy thôi nhưng con đã tìm kiếm suốt nhiều buổi chiều mới có được. Những màu ốc này, những bờ biển trong đất liền không có đâu ạ. Quê con cũng ở vùng biển nên con biết” - khi nghe Ngân nhắc lại lời gửi gắm của cô bạn nhỏ (mẹ Ngân xúc động rưng rưng khi kể lại cho con, và giờ Ngân cũng rưng rưng khi nhắc lại với các bạn), cả đám bạn nhỏ cùng rưng rưng nốt.

Có đứa tuyên bố chắc nịch, lớn lên nó sẽ làm nhà văn như mẹ của Ngân để được đi nhiều, được đi cả những nơi như Trường Sa. Người lớn trong nhà nó, nhiều người đã được đi Hàn, Nhật, Mỹ… nhưng hầu hết chưa bao giờ ra Trường Sa cả. Ngân có cảm giác mũi mình đang phồng lên vì hãnh diện.

* * *

Trong chuyến hải trình của mẹ Ngân có những anh chị nghệ sĩ trẻ. Chị nhỏ tuổi nhất chỉ mới năm hai đại học. Mẹ ấn tượng với chị Ngọc, học đàn tranh. Khi ra đảo Trường Sa, chị ấy khệ nệ mang theo cây đàn tranh có chiều dài bằng hai phần ba người mình, lúc nào di chuyển cũng phải cõng trên vai như thể cõng đứa em ruột rà, thân quý. Ngày thứ hai trên tàu, trong khi mẹ bị say sóng, đầu ong ong, ruột muốn lộn hết ra ngoài vì chưa bao giờ lênh đênh suốt ngày dài trên biển cả thì chị Ngọc đã tỉnh hơn sau một thời gian quen với sóng, thản nhiên ngồi trên giường tầng luyện đàn.

Với chị ấy, đây là tiết mục biểu diễn đặc biệt nhất, bởi có thể không bao giờ có dịp trở lại, và nếu có dịp trở lại chắc chắn chẳng gặp lại những khán giả lần này vì những anh lính Trường Sa thường chỉ ra đảo 2-3 năm công tác. Tiếng đàn trong veo, tươi tắn và ấm áp theo điệu Về quê: “Theo em, theo em anh thì về thăm lại miền quê, nơi có một triền đê, có hàng tre ru khi chiều về…”.

Bất ngờ khi chị Ngọc biểu diễn bản nhạc này trên đảo Trường Sa, một anh lính trẻ măng, da trắng bóc như trứng gà bẽn lẽn lên xin biểu diễn cùng. “Trời ơi, lính đảo phải đứng canh biển giữa nắng gió, mưa dông mà không hiểu sao trắng phát thèm đến thế”, các cô các chị trong đoàn công tác với đủ thể loại áo chống nắng, găng tay cản UV, bôi hàng hàng lớp lớp kem chống nắng, dưỡng da lên mặt mỗi ngày vẫn xót xa thấy da mình sạm dần đi, không khỏi trầm trồ khi gặp anh lính trẻ. Càng trầm trồ hơn khi anh ấy rút ra cây sáo nhỏ, hòa tấu theo điệu đàn Về quê của chị Ngọc: “Ơi quê ta, bánh đa bánh đúc, nơi thảo thơm, đồng xanh trái ngọt. Nơi tuổi thơ ta đẹp như giấc mơ. Ơi quê ta dầm sương dãi nắng. Phiên chợ nghèo lều tranh mái xiêu”.

Khi tiếng sáo của anh lính trẻ ngân vang: “Kìa dáng ai như dáng chị dáng mẹ tôi…” thì phía dưới, mẹ Ngân và nhiều người lén đưa tay quệt vội nước mắt vì không biết nước mắt đã tự trào ra từ lúc nào. Bản nhạc kết thúc, chị Ngọc ôm chầm người bạn mới quen, cả hai cùng nhìn nhau cười khi nước mắt rơi lã chã. Người xa đất liền mấy hôm, người xa gần hai năm với nỗi nhớ quê quay quắt bỗng dưng đồng cảm với nhau. Sau buổi ấy, chị Ngọc trở về tàu, nước mắt rơi vòng quanh vì nhớ mẹ. Đó là màn hòa tấu nhạc cụ dân tộc xúc động xuất thần nhất mà mẹ Ngân từng biết - từ một chị sinh viên trường nhạc và anh lính đảo xa quê.

“Bài này tui biết nè, bố tui hay nghe chú Tùng Dương hát, từ giờ tui sẽ để bố tui nghe phát chán thì thôi, không đòi nghe BlackPink chen vô nữa” - cái Hà chen vô nói. “Đúng, bà chen vô là bà rất có lỗi với nỗi nhớ quê của bố bà á!” - Ngân hùa theo, với giọng điệu triết lý bất thường.

* * *

Mỗi ngày lên lớp, Ngân lại kể cho tụi bạn nghe một câu chuyện Trường Sa. Cô bé lém lỉnh kể đúng một chuyện, không kể qua chuyện thứ hai, để dành cho lũ bạn thèm chơi. Cả đám háo hức đợi nghe chuyện như đợi quà. Hôm nay, trước khi kể chuyện, cô bạn nói:

- Này, tối qua tui vừa mơ thấy Trường Sa.

- Ủa, biển nào mà không giống nhau, sao bà biết chắc Trường Sa?

- Vì tui thấy cái hũ thủy tinh của tụi mình nằm trên bờ cát á.

Cả lũ bạn bất ngờ cùng nhìn về phía kệ trưng bày ở trung tâm lớp học, chúng nhoẻn cười khi thấy chiếc hũ kỷ niệm của cả nhóm vẫn nằm ở đó. Cô giáo đã đặt thêm một chậu cúc mi ni nở hoa rất xinh cạnh đó tự lúc nào…

Tin cùng chuyên mục