Tại buổi ký kết này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, 30-6 là ngày mang ý nghĩa lịch sử về quan hệ Việt Nam - EU. EU với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam là đối tác, quốc gia giàu tiềm năng, đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á. Hai hiệp định này quan trọng như 2 tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn EU và Việt Nam, để đôi bên tiếp cận thị trường của nhau. Còn theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, việc ký kết EVFTA (cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP) sẽ giúp vị thế của Việt Nam mạnh lên rất nhiều.
Đối với xuất khẩu, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường cũng như mặt hàng xuất khẩu, nhất là nông sản, thủy sản và các mặt hàng mà Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh. Đến nay chúng ta đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có cả những FTA thế hệ mới; nhưng với EVFTA thì đây là hiệp định có tiêu chuẩn cao, mang tính toàn diện, với nhiều nội dung về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ…
Có thể nói, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Trong các FTA đã ký kết cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà EU dành cho Việt Nam. Điều có ý nghĩa nhất với EVFTA là nhiều năm qua, EU liên tục là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta.
Vì những lợi ích to lớn về thương mại 2 chiều, Chính phủ Việt Nam đã kiên trì, miệt mài theo đuổi đàm phán để đưa EVFTA thành hiện thực. Theo Bộ Công thương, lộ trình đàm phán để đi đến ký kết EVFTA bắt đầu vào tháng 10-2010, khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) đồng ý khởi động đàm phán EVFTA. Sau nhiều năm đàm phán, rà soát pháp lý, đến ngày 17-10-2018, EC đã chính thức thông qua EVFTA và IPA. Bộ trưởng Bộ Công thương nhớ lại: Ở giai đoạn cuối, khi đã chuẩn bị kết thúc được các vấn đề rất khó như lao động, mua sắm Chính phủ, tưởng rằng chặng đường sẽ êm xuôi, Việt Nam lại phải đối mặt với việc xử lý mâu thuẫn quyền lợi đan xen giữa nhiều nước lớn đang đàm phán FTA với chúng ta. Đó là thời điểm năm 2015, cột mốc cực kỳ phức tạp và căng thẳng.
Khó nhất đối với đoàn đàm phán Việt Nam là xử lý mâu thuẫn cách tiếp cận giữa Mỹ và EU liên quan đến chỉ dẫn địa lý cùng nhiều vấn đề khác. Thời điểm đó, Việt Nam cũng đang đàm phán với Nga, Hàn Quốc và đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, sau này là CPTPP). Trong quá trình đàm phán, các nước lớn luôn nhìn vào nhau xem phía đối tác mở cửa cho nước khác ra sao? Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói thêm: “Ở giai đoạn cuối, có nhiều vấn đề không liên quan đến nội dung hiệp định, nhưng họ vẫn đặt ra. Ví dụ về đánh bắt cá, tốn nhiều giấy mực đôi bên, hay sản phẩm nông nghiệp, cũng rất phức tạp. Rồi thẩm quyền của từng quốc gia khi xử lý tranh chấp của nhà đầu tư với quốc gia. Thậm chí đã có lúc tưởng như chúng ta chỉ ký riêng EVFTA, bỏ lại IPA để ký sau”.
Lễ ký kết 2 hiệp định này vào chiều 30-6 tại Hà Nội là một sự kiện khiến nhiều người rơi nước mắt, đánh dấu thành quả 9 năm liên tục nỗ lực của cả hệ thống chính trị, với đóng góp của nhiều người, vượt qua rất nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu cuối cùng. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, EVFTA là kết quả của quá trình “vượt vũ môn” về mặt năng lực, trình độ trong tổ chức đàm phán của chúng ta để thuyết phục được 28 quốc gia thành viên EU - những nước có nền kinh tế phát triển với trình độ rất cao tại châu Âu. Giữa Việt Nam và 28 quốc gia EU có khoảng cách về trình độ kinh tế, ngôn ngữ, văn hóa, năng lực quản trị... nhưng cuối cùng chúng ta đã vượt qua và đi đến đàm phán thành công.