Tự đề ra chủ trương gửi tiền vào ngân hàng
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 103 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án thí điểm Tập đoàn kinh tế Vinashin và Quyết định số 104 cũng năm 2006 về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Vinashin trên cơ sở tổ chức lại cơ quan quản lý, điều hành các đơn vị thành viên, hạch toán phụ thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con.
Việc này bao gồm các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các doanh nghiệp đa sở hữu, có chức năng kinh doanh đa ngành, trong đó ngành công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thủy và vận tải biển là ngành kinh doanh chính.
Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) được thành lập theo quyết định của Bộ GT-VT trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin theo mô hình công ty mẹ, công ty con; công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo luật doanh nghiệp.
Giữa năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc tái cơ cấu, quyết định điều chỉnh nguyên trạng các doanh nghiệp, các dự án của Tập đoàn Vinashin, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Tháng 8-2011, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc xác định vốn điều lệ và cấp tạm ứng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho Vinashin. Theo các quyết định này, từ ngày 22-10 đến 24-12-2010, Vinashin tiếp nhận hơn 2.200 tỷ đồng từ PVN về tài khoản thanh toán không kỳ hạn của Vinashin mở tại Oceanbank để tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin.
Ngày 29-10-2010, Nguyễn Ngọc Sự (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin) đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Trương Văn Tuyến (Tổng Giám đốc Vinashin) ký văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị được sử dụng công vụ tiền gửi có kỳ hạn tại Oceanbank nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn (trước đó Tuyến đã ủy quyền cho Trần Đức Chính là Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính thực hiện việc gửi tiền có kỳ hạn tại Oceanbank).
Mặc dù Thủ tướng không có ý kiến chấp thuận cho Vinashin gửi tiền có kỳ hạn vào Oceanbank, nhưng Nguyễn Ngọc Sự; Trương Văn Tuyến; Trần Đức Chính đã tự thống nhất chủ trương về việc gửi tiền để hưởng lãi suất tiền gửi của Oceanbank.
Ngoài hưởng lãi suất, các cá nhân còn được hưởng thêm khoản chi “chăm sóc khách hàng” của Oceanbank.
Tất cả cá nhân trên đã thống nhất giao cho Trần Đức Chính tiếp nhận, quản lý số tiền mà Oceanbank chi lãi suất để chi tiêu cá nhân và sử dụng cho một số công việc chung của Vinashin, như: đối ngoại, hội họp, tiếp khách, lễ tết, hỗ trợ công tác nước ngoài.
Tài liệu của cơ quan điều tra xác định, từ ngày tháng 11-2010 đến 6-2014, Vinashin đã thực hiện 2.341 hợp đồng giao dịch gửi tiền có kỳ hạn vào Oceanbank, với tổng giá trị tiền gửi là hơn 103.000 tỷ đồng và hơn 181 triệu USD, số lãi tương ứng là hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, xác định Trần Đức Chính ký 953 hợp đồng giao dịch tiền gửi hơn 77.000 tỷ và hơn 177 triệu USD, lãi phát sinh tương ứng là hơn 711 tỷ đồng và gần 30.000 USD.
Trong khi đó, Phạm Thanh Sơn (nguyên Phó Tổng giám đốc Vinashin) ký 97 hợp đồng với giá trị tiền gửi là hơn 13.000 tỷ đồng, lãi phát sinh theo hợp đồng gửi là hơn 354 tỷ đồng, trong đó xác định 55 hợp đồng trái thẩm quyền (do không phải là người đại diện theo pháp luật và không được ủy quyền).
Nguyễn Ngọc Sự trong thời gian từ tháng 12-2013 đến tháng 2-2014 đã ký 12 hợp đồng tiền gửi vào Oceanbank, tổng giá trị tiền gửi là hơn 275 tỷ đồng, lãi phát sinh tương ứng là hơn 1,3 tỷ đồng.
Trương Văn Tuyến được xác định ký 2 hợp đồng với tổng giá trị tiền gửi là hơn 2.000 tỷ đồng, lãi phát sinh tương ứng là hơn 358 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cho biết, còn có 2 hợp đồng giao dịch tiền gửi có kỳ hạn vào Oceanbank với tổng giá trị 600 tỷ đồng và 4 triệu USD không xác định được người ký.
Chi lãi ngoài cho các cá nhân Vinashin như thế nào?
Quá trình điều tra xác định, khi Oceanbank biết Vinashin có nguồn tiền lớn, Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank gặp Nguyễn Ngọc Sự đề nghị đầu tư, gửi tiền có kỳ hạn vào ngân hàng của mình, đồng thời chi một khoản tiền lãi suất tiền gửi theo hợp đồng, việc này Sự đã nhất trí và cho cấp dưới thực hiện.
Theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm, từ tháng 2-2011 đến tháng 6-2014 Oceanbank đã thực hiện việc chi trả tiền ngoài lãi suất cho Vinashin là hơn 105 tỷ đồng.
Nguồn tiền chi trả này được tạo từ nguồn khối kế toán chuyển vào tài khoản của Nguyễn Thị Minh Phương và các nhân viên của Oceanbank chi nhánh Thăng Long dưới hình thức tạm ứng thực hiện nghiệp vụ, chi phí trả lãi. Số tiền trên được xác định trên cơ sở của 400 hợp đồng giao dịch tiền gửi gắn với các chủ thể ký các nguyên lãnh đạo Vinashin như trên.
Cơ quan điều tra cũng làm rõ hành vi giao nhận tiền giữa các cán bộ của Oceanbank và Vinashin.
Theo đó, từ tháng 3-2011 đến 8-2014, Trần Đức Chính đã trực tiếp nhận hơn 105 tỷ đồng tại phòng làm việc của mình và một số lần Chính sang trụ sở của Oceanbank.
Tại Cơ quan điều tra, Chính khai việc thực hiện gửi tiền là làm theo chỉ đạo của Nguyễn Ngọc Sự và Trương Văn Tuyến. Nguyễn Ngọc sự giao cho Chính quản lý số tiền lãi, không đưa vào hạch toán sổ sách của Vinashin. Số tiền lãi hơn 105 tỷ đồng được Chính thường xuyên để ở phòng làm việc. Mỗi lần Nguyễn Ngọc Sự yêu cầu Chính báo cáo việc thu, chi số tiền lãi trên, ngay sau đó sẽ hủy các tài liệu, chứng từ liên quan.
Việc chia số tiền lãi được Nguyễn Ngọc Sự quyết định. Theo đó, Chính đã đưa cho Sự 9 lần, tổng số 50,5 tỷ đồng. Chính đưa cho Trương Văn Tuyến 3 lần, tổng số 15 tỷ đồng. Chính đưa cho Phạm Thanh Sơn 3 lần, tổng số 7,5 tỷ đồng. Bản thân Chính được Nguyễn Ngọc Sự chia cho 4 lần, tổng số 10 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên, thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu của các bị can.
Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã truy tố ra trước Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đối với các bị can trên về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Dự kiến, phiên xét xử vụ án sẽ được Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đưa ra trong thời gian sớm nhất.