Nếu nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối, nếu không từ chối được phải giao lại quà cho bộ phận quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị mình để xử lý theo quy định.
Trên thực tế, việc nhận quà của người làm trong bộ máy công quyền không có gì mới. Những người đạt được cương vị đó là những người phải có uy tín, trải qua quá trình rèn luyện phấn đấu và khi làm việc ích nước lợi dân thì được tặng quà để thể hiện sự biết ơn, tình cảm quý mến cũng là bình thường. Tặng quà không sai, thậm chí còn là nét văn hóa, chỉ mục đích tặng quà mới có đúng - sai. Ẩn sau món quà ấy là tình cảm thì tốt, còn vụ lợi thì là xấu. Quanh việc này, cần thực hiện theo thông lệ truyền thống từ xưa và học hỏi kinh nghiệm các nước xung quanh hiện nay.
Thời trước, người làm quan ngoài lương thì có bổng. Bổng ở đây chính là quà, được quy định rất rõ theo phẩm hàm thì được nhận quà tới mức nào. Nhận quá mức của phẩm hàm bị coi là tham ô, sẽ bị trừng phạt rất nghiêm khắc. Ở các nước xung quanh, từ Mỹ, Anh đến Thái Lan, Nhật Bản… hiện nay đều có quy định rõ công chức nhà nước ở cấp hàm nào được đối tác tặng quà thế nào. Chẳng hạn Thái Lan có thể nhận quà từ 50USD trở xuống, nếu vượt quá thì phải báo cáo cơ quan quản lý công sản. Một là từ chối, hai là nộp cho ngân khố, từ đó phát mãi món quà rồi trả lại phần tiền anh được hưởng, ba là anh bỏ tiền ra mua phần giá trị vượt 50USD của món quà. Như vậy là các nước rất minh bạch trong việc nhận quà, chính vì thế mà nó rất bình thường.
Rất dễ nhận thấy, ở nước ta, văn hóa quà tặng đã bị biến tướng. Câu chuyện biến tướng trong tặng quà, cảm ơn diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc trong dư luận, thậm chí làm xói mòn đạo đức, niềm tin, lối sống tốt đẹp của nhân dân ta… Quà bây giờ đâu chỉ là tiền, hay một vali đô-la như Dương Chí Dũng khai trước tòa, mà muôn hình vạn trạng, thậm chí có người mang cả thân xác đi làm quà. Người tặng, người nhận trở thành bán mua, đổi chác. Việc này rất nhiều, có cả trong những lĩnh vực cao quý, đòi hỏi rất cao về đạo đức. Một giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh, không cần tiền, không cần công trình mà lại cần “tình”. Đó là một sự băng hoại. Nhưng nếu ông giáo sư tư cách đàng hoàng, thì người kia dù có yêu thích tới mấy cũng chỉ có thể bày tỏ chứ không thể làm nên những chuyện băng hoại được. Có người đến xin việc cho vợ, mang tới biếu tôi cả trăm triệu đồng. Tôi bảo, anh mang về đi thì vợ anh còn việc làm, 100 triệu đồng cũng không nuôi tôi được tới già. Cuối cùng anh này mang về và giờ trở thành bạn tôi, còn vợ anh đến bây giờ đã làm lãnh đạo luôn rồi vì cô ấy rất có năng lực. Nếu hồi ấy mà nhận thì người ta khinh mình lắm, rồi sau này há miệng mắc quai không nói người ta được.
Nghị định 59 quy định rõ về xử lý tổ chức, cá nhân dùng tài sản công tặng quà trái quy định; người đứng đầu cơ quan đơn vị có vi phạm cũng sẽ bị xử lý kỷ luật. Quy định như vậy là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng muốn hạn chế việc tặng quà, nhận quà sai quy định thì điều quan trọng là phải tập trung vào người nhận. Người ta thường nói “dân dại quan tham”, nhưng vì “quan tham” thì dân mới “dại”. Dân không “dại” làm sao được việc, đồng tiền không đi trước không xong. Tôi thấy có ý kiến hay đổ cho dân là dân trí thấp, gian giảo xảo quyệt lừa “quan”, nhưng thực ra quan không lấy thì ai dám đưa? Sếp không lấy quà, lính nào dám đưa?
Chốt lại, cần phải công khai minh bạch, ban hành quy định pháp luật về chế độ công chức, người quản lý, lãnh đạo được tặng quà theo đúng cấp bậc, cương vị, quyền hạn được giao và công khai kiểm soát. Tiếp nữa, chuyện tặng - nhận quà phải trở thành một văn hóa trong tổ chức và xã hội, tôn vinh những giá trị tử tế, ngay thật của con người, không tham lam, cái gì xứng đáng thì hãy nhận. Đó cũng là sự biểu hiện rõ nét tâm hồn, đạo đức của người cán bộ, công chức liêm chính.