Sau khi Bộ GD-ĐT hoàn tất công bố điểm thi 2017, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã có trao đổi với báo chí bước đầu về kết quả kỳ thi năm nay.
Thứ trưởng cho biết, hiện nay, các tổ kỹ thuật của Bộ GD-ĐT đang phân tích kết quả thi. Để đánh giá giá một cách chỉn chu về kết quả thi năm nay và so sánh với năm ngoái, cần phân tích sâu về cơ sở dữ liệu; cần có phổ điểm cụ thể. Chứ không thể đánh giá một cách cục bộ được.
* PHÓNG VIÊN: Năm nay có nhiều điểm 10, liệu có phải là bất thường?
- Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Không phải số bài thi điểm 10 tăng cao có nghĩa là đề quá dễ hoặc coi thi không nghiêm túc. Nếu tỷ lệ thí sinh đạt điểm cao vọt lên, hay hiện tượng điểm 9 - 10 quá nhiều, còn điểm 0 - 1 quá ít thì mới là vô lý. Tức là đề thi quá dễ, ai cũng làm được điểm 9-10.
* Phải chăng thi trắc nghiệm giúp thí sinh đạt điểm 10?
- Mọi năm ra tự luận, câu khó chỉ rơi vào chương nào đó nên học sinh học tủ mới làm được, còn đề thi trắc nghiệm khách quan, được chuẩn hóa với dải rộng từ dễ đến rất khó, kiến thức phủ khắp chương trình.
Trước, với bài thi tự luận, câu hỏi khó chỉ nằm ở một vùng kiến thức; nhưng đề thi năm nay, câu khó có thể nằm bất cứ nơi nào trong chương trình, vì vậy các em học sâu vào 1 chương nào đó, 1 phần kiến thức nào đó, đều có thể làm được câu khó này. Các em học đều, sâu có thể làm được, nhiều em có điểm cao hơn là như vậy.
*Năm nay Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sau khi biết điểm. Liệu có diễn ra tình trạng thí sinh nháo nhào điều chỉnh?
- Các em cần bình tĩnh trong việc phân tích kết quả của mình và kết quả chung, để quyết định có điều chỉnh nguyện vọng hay không.
Nếu kết quả thi không lệch nhiều so với điểm dự kiến thì không cần điều chỉnh. Vì quy chế năm nay các em xét tuyển theo kết quả thi chứ không phải theo nguyện vọng.
Vì vậy các em tỉnh táo, phân tích phổ điểm năm nay so với năm ngoái. Ví dụ Toán-Lý -Hóa, trên phổ điểm, nếu dịch về bên phải nhiều hơn thì năm nay điểm chuẩn vào các trường nào đó sẽ dịch lên; hoặc nếu dịch về bên trái (thấp hơn) thì điểm chuẩn có thể thấp hơn. Vì vậy có nhiều thông số cho các em quyết định. Để có lựa chọn phù hợp nhất, các em cũng cần tư vấn của phụ huynh.
Điểm 10 nhiều, điểm 0 cũng không ít
Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho rằng đây là những điểm 10 thực sự bởi với đề thi đã được chuẩn hoá như vậy mà các em vẫn có thể đạt được kết quả cao thì đó là điều rất đáng chúc mừng.
Số liệu phân tích thống kê tại 59 tỉnh thành cho thấy, số lượng điểm 10 nhiều nhưng số lượng điểm 0 cũng rất lớn. Ví dụ, môn toán có 278 điểm 10 nhưng có 761 điểm 0. Như vậy, phổ điểm rất đẹp. Môn Toán có 1.577 em là điểm từ 1 trở xuống tức là điểm liệt. Nếu các em này mà thi THPT quốc gia tức là bị trượt tốt nghiệp. Vậy con số này cũng rất lớn. Điểm trung bình của môn Toán là 5,18 điểm. Điểm toán dưới 5 chiếm xấp xỉ 49,2%. Như vậy, điểm 10 là vô cùng giá trị!
Dư luận cho rằng năm nay quá nhiều điểm 10, đó là do chưa có đủ thông tin. Các Sở GD-ĐT chỉ báo cáo số điểm cao nhưng lại chưa phân tích phổ điểm của từng môn để thấy rõ tỷ lệ chênh lệch về điểm số. Sau khi phân tích phổ điểm, các địa phương cần có những biện pháp để điều chỉnh cách dạy, cách học cho phù hợp.
"Còn nói về đề thi năm nay, tôi cho rằng với quá trình làm đề theo công nghệ quy trình của Hoa Kỳ thì mọi thứ chưa được gọi là hoàn hảo. Bởi lịch sử làm đề thi của họ là 200 năm còn của mình mới chỉ 2 năm. Tuy nhiên, bước đầu đã phân hoá được thí sinh, có dải phổ điểm cân đều hai phía hoặc không quá cao ở một vị trí nào đó, hoàn toàn có thể phân loại thí sinh ở kết quả phổ điểm. Tuy nhiên, cũng cần phải rút kinh nghiệm và lắng nghe ý kiến phản hồi từ giáo viên, học sinh và toàn xã hội về đề thi để có những điều chỉnh cho những năm sau để có đề thi tốt hơn", ông Sái Công Hồng cho biết.