Mạng lưới y tế tư nhân rộng khắp
Bệnh viện (BV) Triều An là một trong những đơn vị y tế tư nhân ra đời sớm, sau khi Bộ Y tế và UBND TPHCM có chủ trương xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Qua 23 năm hoạt động, từ quy mô 200 giường ban đầu đã tăng lên 400 giường với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, BV Triều An tiến tới mô hình BV - khách sạn, đáp ứng nhu cầu của người bệnh. BV Triều An đã xây dựng được 22 chuyên khoa sâu, một trung tâm chẩn đoán y khoa với năng lực khám chữa bệnh hàng ngàn người bệnh mỗi năm.
Nhiều cơ sở y tế tư nhân khác như các BV An Sinh, Vạn Hạnh, Sài Gòn ITO, Hoàn Mỹ, Quốc tế City, Gia An 115, Tâm Anh, Vinmec, Xuyên Á, Nam Sài Gòn… cùng hàng ngàn phòng khám đa khoa và chuyên khoa tư nhân ra đời đã chia sẻ áp lực cho hệ thống y tế công lập.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tính đến cuối năm 2024, toàn thành phố có hơn 8.000 phòng khám đa khoa và 66 BV tư nhân, đóng góp không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn thành phố.
“Cách đây 5-10 năm, khi có người bệnh nặng, các BV tư nhân thường chuyển về bệnh viện công; bây giờ BV tư đã điều trị được những ca bệnh nặng, phức tạp như tim mạch, thần kinh, đột quỵ, sản, sơ sinh… Y tế tư nhân đã có những thiết bị, công nghệ đôi khi còn hiện đại hơn cả y tế công, giúp hạn chế tình trạng người bệnh đi nước ngoài chữa trị”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Hệ thống y tế tư nhân “chia lửa” với ngành y tế thành phố không chỉ trong lĩnh vực khám chữa bệnh mà còn ở lĩnh vực phòng bệnh, và luôn sẵn sàng tham gia công tác y tế khi Nhà nước và TPHCM cần. Trong đại dịch Covid-19, hệ thống y tế tư nhân ở TPHCM chung tay với chính quyền thành phố trong việc tiêm vaccine, chăm sóc và điều trị người bệnh Covid-19. Dịch sởi bùng phát vào tháng 6-2024, lực lượng y tế tư nhân cũng đã đồng hành thực hiện chiến dịch bao phủ vaccine.
Bên cạnh đó, các BV tư nhân còn là “điểm sáng” trong thu hút người bệnh nước ngoài, phát triển du lịch y tế, như các BV Quốc tế City, Mỹ Đức, Gia An 115... Ra đời muộn hơn, BV Đa khoa Tâm Anh đang nổi lên như một hiện tượng trong ngành y tế TPHCM ở cả chất lượng dịch vụ lẫn đầu tư phát triển chuyên sâu. Cùng với việc mua sắm nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, BV còn thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực và thành lập nên các trung tâm chuyên sâu.
UBND TPHCM vừa có quyết định phê duyệt đề án “Huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển y tế trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030” nhằm huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để xây dựng hệ thống y tế thành phố tiên tiến, hiện đại, tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu đưa TPHCM trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Điểm sáng trong hợp tác, liên kết
Từ năm 2000, để khuyến khích các ngành, lĩnh vực phát triển theo chiến lược của thành phố, Thành ủy và UBND TPHCM có chủ trương hỗ trợ lãi suất vay vốn thông qua chương trình kích cầu cho các ngành, lĩnh vực, nhất là chương trình xã hội hóa trong đầu tư lĩnh vực y tế, giáo dục.
Đến năm 2009, chương trình này chính thức ban hành, các đơn vị được UBND TPHCM cho vay vốn đầu tư xây mới, cải tạo mở rộng, mua sắm thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao chuyên sâu… với mức lãi suất hỗ trợ 100%, thời gian hỗ trợ không quá 7 năm. Trong lĩnh vực y tế có 117 dự án tham gia, với tổng vốn vay hơn 5.800 tỷ đồng.
Từ đó, nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, chuyên sâu, nhiều khu khám bệnh và điều trị kỹ thuật cao đã được hình thành, triển khai hiệu quả tại các BV Ung bướu, Bình Dân, Chấn thương Chỉnh hình, Hùng Vương, Từ Dũ, Mắt, Đại học Y Dược, Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định… thông qua nguồn vốn vay kích cầu của thành phố.
Đối với chính sách phát triển y tế theo Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ, TPHCM đã triển khai 4 đề án hợp tác công - tư về chuyên môn giữa BV Nhân dân 115 với Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm (nay là Công ty TNHH Bệnh viện Gia An 115); giữa BV Ung bướu với BV Đa khoa Hồng Đức; giữa BV Nhi đồng 2 với BV Đa khoa Hồng Đức và Công ty CP Y khoa CHAC 2.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, việc hợp tác đã giảm tải cho các BV công lập đang trong tình trạng quá tải, sử dụng nguồn lực sẵn có của các cơ sở y tế tư nhân, tiếp cận được kỹ năng và kinh nghiệm của khu vực tư nhân; gia tăng và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.
Trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, thời gian qua, ngành y tế đã kêu gọi đầu tư 13 dự án, với tổng mức đầu tư 12.266 tỷ đồng. Đối với hình thức đối tác lắp đặt thiết bị, đã có 109 đề án thực hiện cung cấp dịch vụ với tổng giá trị 1.100 tỷ đồng, trong đó vốn của đối tác là 997 tỷ đồng.
Hình thức này đã đáp ứng nhanh cho nguồn vốn đang thiếu hụt của các BV, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách; cơ sở y tế được đầu tư thiết bị y tế hiện đại, nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong.
Các đối tượng nghèo, cận nghèo, trẻ em, chính sách xã hội cũng được hưởng lợi từ các đề án cung cấp dịch vụ thiết bị và được quỹ BHYT thanh toán. Ngoài ra, phương thức này cũng góp phần giảm tải cho tuyến trên, giảm chi phí đi lại, thời gian chờ đợi của người bệnh.
PGS-TS NGUYỄN ANH DŨNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM:
Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng
TPHCM luôn ủng hộ việc xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám chữa bệnh, khuyến khích y tế tư nhân xây dựng nhiều BV tư để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời thu hút đầu tư của tư nhân trong hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước.
Tuy nhiên, việc xã hội hóa cần phải bền vững, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng.
Vấn đề cốt lõi là khi tư nhân tham gia vào hoạt động tại cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước, thì giá các dịch vụ lâm sàng và cận lâm sàng trong cùng một cơ sở là như nhau, không phân biệt giá “dịch vụ” hay giá “bảo hiểm y tế”. Chỉ nên có sự khác biệt về giá các dịch vụ phi y tế như phòng bệnh, căn tin, giữ xe, giặt giũ…
TS-BS HOÀNG THỊ DIỄM TUYẾT, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương:
Phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ tối đa
Chủ trương xã hội hóa y tế những năm qua giúp các BV công lập huy động được sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức để có được nhiều trang thiết bị hiện đại, phát triển kỹ thuật mới, cán bộ y tế được nâng cao trình độ chuyên môn nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn.
Để xã hội hóa y tế có hiệu quả, ngành y tế cần mạnh dạn thực hiện đúng và vận dụng linh hoạt các quy định của Chính phủ, của địa phương; đổi mới phương thức quản lý và thực hiện các chương trình hợp tác với ngân hàng cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm huy động nguồn lực đầu tư cho các cơ sở y tế.
Các cơ sở y tế cũng cần tích cực tìm hiểu, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật tiên tiến với chi phí đầu tư phù hợp năng lực và khả năng kêu gọi đầu tư hoặc ứng dụng giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh. Bên cạnh đó, đổi mới phương thức quản lý theo hướng phân cấp, giao quyền tự chủ tối đa kèm theo cơ chế giám sát phù hợp.