LTS: Cùng với công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội của đất nước được đặt ra từ cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, TPHCM là một trong những địa phương đi đầu thực hiện xã hội hóa ở 2 lĩnh vực: giáo dục và y tế. Đến nay, cả 2 lĩnh vực này không chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân, mà còn lập được những kỳ tích, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Điều này đã tạo nên động lực để các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước an tâm và đồng hành cùng Nhà nước đầu tư phát triển 2 lĩnh vực quan trọng này.
Từ những năm 1990, khi có chính sách của Nhà nước về xã hội hóa giáo dục cho phép mở các trường đại học dân lập (nay là đại học tư thục), hàng loạt trường đại học (ĐH) tư tại TPHCM được thành lập. Trong đó, có thể điểm qua các trường như Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, Trường ĐH Văn Hiến...
Nhiều chính sách hỗ trợ
Nhà giáo ưu tú Huỳnh Thế Cuộc, người sáng lập, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (Huflit), nhớ lại: “Khi có chính sách của Nhà nước về xã hội hóa giáo dục, cho phép mở các trường ĐH dân lập, năm 1992, tôi cùng những người bạn trong ngành giáo dục làm đơn xin phép mở trường. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo TPHCM thời bấy giờ. Thành phố cho mượn đất tại địa điểm nay là cơ sở chính của trường ở đường Sư Vạn Hạnh, quận 10. Ban đầu, diện tích đất ít thôi, nhưng sau đó mở rộng ra. Hàng năm, trường trả tiền thuê đất và đóng thuế đầy đủ.
Về nguồn vốn, ban đầu có một doanh nhân góp tiền đầu tư, tôi chỉ có một ít nhưng các bạn của tôi góp thêm tiền, dưới danh nghĩa của tôi. Sau 33 năm phát triển, đến nay trường đã có thêm cơ sở mới tại huyện Hóc Môn (TPHCM), quy mô hàng chục ngàn sinh viên, học viên ở các chương trình đại học và sau đại học".
Đi lên từ một trường trung cấp nghề, qua hơn 20 năm, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành từng bước lớn mạnh và trở thành một trong những trường đại học tư có uy tín trong cả nước. Khởi đầu, trường chỉ đào tạo vài chục học viên cung cấp cho Công ty cổ phần Dệt may Sài Gòn, nhưng đến nay đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thực tập, đào tạo hàng ngàn sinh viên, học viên.
Hiện trường đã phát triển thành trường đại học đa ngành với 14 khoa, 54 chương trình đào tạo (từ đại học đến sau đại học) với các khối ngành: sức khỏe, kinh tế, xã hội - nhân văn, kỹ thuật - công nghệ, nghệ thuật - mỹ thuật, đào tạo giáo viên, pháp luật... với quy mô hơn 25.000 sinh viên.
Nhờ chính sách ưu đãi về thuế, nguồn vốn kích cầu của TPHCM, quỹ đất dành cho giáo dục, ngoài cơ sở chính tại quận 4, trường đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng xây dựng thêm cơ sở tại phường An Phú Đông (quận 12), xây dựng Trung tâm Phát triển Công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tại Khu Công nghệ cao TPHCM (TP Thủ Đức) với tổng vốn đầu tư trên 1.100 tỷ đồng.
TS Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, bày tỏ, các chính sách, chủ trương của Thành ủy, UBND TPHCM đã thúc đẩy sự phát triển đa dạng của bức tranh chung về giáo dục đại học, đặc biệt là các ĐH ngoài công lập. Điều này thật sự đang tạo thế và lực, sức bật cho các trường ĐH ngoài công lập trong việc phát triển, đồng thời giúp các trường tham gia đóng góp nhiều hơn từ việc phản biện thực tiễn chính sách, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trình độ cao cho sự phát triển thành phố.
Tương tự, các trường như ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Hoa Sen, ĐH Văn Lang, ĐH Văn Hiến cũng được TPHCM hỗ trợ về quỹ đất phục vụ giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất tại quận 1, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh. Ngoài chính sách ưu tiên về thuế (áp dụng thuế suất 10% đối với các khoản thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường), thành phố cũng tạo điều kiện cho các trường vay vốn kích cầu để đầu tư phát triển...
Đồng hành cùng sự phát triển của TPHCM
Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, từ chỗ ra đời trong bối cảnh thiếu thốn về tài chính, đội ngũ, đất đai, cơ sở vật chất, đến nay nhiều trường ĐH tư tại TPHCM có lực lượng giảng viên hàng ngàn người. Cơ sở vật chất của nhiều trường được đầu tư hiện đại, có đơn vị được tổ chức quốc tế gắn sao như Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ TPHCM…
Qua khảo sát một số trường ĐH tư tại TPHCM cho thấy, khá nhiều trường phát triển mạnh và không kém cạnh so với các trường ĐH công lập. Ngoài doanh thu lên tới cả ngàn tỷ đồng, nhiều trường ĐH tư có cơ sở vật chất hiện đại, tỷ suất đầu tư cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ thuộc tốp đầu cả nước. Nhiều trường thu hút được các chuyên gia đầu ngành và cả những nhà khoa học uy tín của nước ngoài về làm việc.
Theo GS-TSKH Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, ngoài việc tham gia đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho thành phố, trường còn chủ động tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nhiều năm qua, tập thể nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên của trường đã liên tục thực hiện nhiều dự án nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.
Đặc biệt, trong năm 2024, trường tham gia làm thành viên đồng sáng lập của Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) của TPHCM, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, phát triển các giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn trong phát triển đất nước. Ngoài ra, trường đã hoàn thành bàn giao
Dự án “Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM”, góp phần vào công tác bảo tồn văn hóa trong thời đại số; sinh viên trường cũng tích cực góp sức chung bằng các đồ án có giá trị thực tiễn cao như đồ án tốt nghiệp Bảo tàng Lịch sử đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn, đồ án tốt nghiệp Thiết kế Trung tâm Thương mại văn phòng The Nexus…
Sự lớn mạnh của các trường ĐH tư cùng với hệ thống ĐH công lập đã góp phần giúp TPHCM trở thành trung tâm giáo dục ĐH, nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM nói riêng và cả khu vực phía Nam nói chung.
Quy hoạch phát triển giáo dục đại học theo 3 hướng Đông, Nam và Tây Bắc
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, cho biết, các trường ĐH, CĐ tại TPHCM chiếm hơn 60% số trường toàn vùng. Bên cạnh hệ thống trường công lập đóng vai trò chủ chốt, hệ thống trường ngoài công lập phát triển nhanh, tham gia đào tạo nhân lực ở trình độ cao, kể cả đào tạo sau ĐH và liên kết đào tạo quốc tế. Trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060, mạng lưới giáo dục trên địa bàn TPHCM được nghiên cứu, rà soát, đề xuất lộ trình xã hội hóa giáo dục, tăng cường các nhóm giải pháp tăng quỹ đất giáo dục...
Theo đó, mạng lưới này tập trung thành từng cụm ở khu vực ngoại thành và ưu tiên phát triển theo 3 hướng: Đông, Nam, Tây Bắc. Định hướng này nhằm phát triển mạng lưới một cách cân bằng, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ tương tác với khu công nghệ cao, công nghiệp dịch vụ được hình thành trong tương lai.
Mạng lưới giáo dục ĐH và đào tạo nghề nghiệp tiếp tục tuân thủ 3 cụm trung tâm giáo dục theo quy hoạch trước đó. Một là cụm trung tâm giáo dục đào tạo phía Đông TPHCM bao gồm ĐH Quốc gia TPHCM và một số cơ sở trong TP Thủ Đức.
Hai là cụm trung tâm giáo dục đào tạo phía Nam bao gồm Khu đô thị ĐH An Phú Tây - Hưng Long (huyện Bình Chánh), Làng ĐH Hùng Vương, Làng ĐH Phong Phú, Khu ĐH tập trung Long Thới, Nhà Bè, các cơ sở giáo dục đào tạo khác tập trung tại đường Vành đai 3.
Ba là cụm trung tâm giáo dục đào tạo phía Tây Bắc gồm Khu đô thị ĐH quốc tế Việt Nam thuộc huyện Hóc Môn (bao gồm chức năng giáo dục đào tạo và các chức năng phụ trợ khác) và một số cơ sở giáo dục đào tạo khác.
Theo đánh giá của Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TPHCM, hội đồng là một sáng kiến của lãnh đạo TPHCM nhằm đẩy mạnh sự liên kết của các trường (cả công lập và ngoài công lập) nhằm phát huy vai trò tư vấn, phản biện chính sách, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, tham gia phản biện chính sách, các hội thảo, tọa đàm khoa học... do thành phố tổ chức; thúc đẩy tăng cường tổ chức các hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thành viên các hội đồng khối ngành thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ theo đặt hàng của UBND TPHCM, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế.