Dốc cao thăm thẳm, rừng núi điệp trùng
Khởi hành từ vùng đất Tổ Phú Thọ lúc 13 giờ 30 chiều 11-4, chúng tôi theo quốc lộ 32, rồi bắt vào quốc lộ 37, quốc lộ 6 để đi Sơn La. Càng ngược lên Tây Bắc, đường càng đèo dốc, dân cư thưa dần. Có nhiều đoạn chỉ toàn thấy núi đồi cao chênh vênh, đường dốc quanh co.
Đầu tiên là đèo Cón nằm giữa tỉnh Phú Thọ và Sơn La, sau đến đèo Ban chạy dọc giữa vùng đồi núi hiểm trở thuộc địa phận huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Tiếp tục vượt qua nhiều cung đường dốc cao hiểm trở là đến đèo và rừng Ông Giáp cũng thuộc huyện Phù Yên. Có lẽ là khu rừng mang tên vị Đại tướng huyền thoại nên được bảo vệ khá tốt, hai bên đường cây cối um tùm, dây leo chằng chịt xanh ngắt trải rộng tận chân núi cao ở phía xa. Ngay bên đường, một số cây rừng cao hàng chục mét, gốc 2 người ôm không xuể che bóng mát ra ngoài đường là nơi người dân hay dừng chân nghỉ mỗi khi đi qua vào ngày nắng nóng.
Cũng trên địa phận của Phù Yên có điểm tham quan núi cao Tà Xùa cao hơn 2.800m so với mực nước biển, là ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái, có khí hậu mát mẻ quanh năm - là địa điểm săn mây lý tưởng của các “phượt thủ” từ Bắc chí Nam.
Vượt qua huyện Bắc Yên của Sơn La, chúng tôi vào đất Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) và phải qua 2 đèo cao nữa là Pha Đin và Tằng Quái nằm trên quốc lộ 6 mới đến được TP Điện Biên Phủ. Và không hổ danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” vùng miền núi phía Bắc, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Mã Pí Lèng, đèo Phạ Đin được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia (người dân quen gọi là Pha Đin, một bên thuộc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, một bên thuộc huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) dốc dài quanh co, thăm thẳm hơn 32km giữa một bên là vực, một bên là núi đá cao.
Anh Hải, người lái xe chở đoàn, cho biết: “Trước đây em đã từng chạy xe chở hàng trên tuyến đường này và khi ấy đường nhỏ, xấu, nhiều khúc cua nên chủ quan một chút là “dính đòn” ngay. Tài xế chạy đường lạ chủ quan là xe dễ mất phanh, tai nạn như chơi, còn xe hư nằm đường là chuyện thường ngày”.
Rong ruổi trên những cung đường đèo dốc, chúng tôi càng “thấm” những câu thơ của nhà thơ Quang Dũng trong bài Tây Tiến: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” để nói về khung cảnh thiên nhiên đồi núi, heo hút của các tỉnh miền Tây Bắc. Trừ các đô thị đông dân và các thị trấn huyện lỵ thì nhiều nơi khung cảnh vẫn rất vắng vẻ, heo hút và đường sá quanh co, khúc khuỷu hơn nhiều vùng núi ở nước ta. Và nếu lùi lại vào thời điểm nhà thơ sáng tác bài Tây Tiến thì khung cảnh còn hoang vắng, xa xôi hơn bây giờ rất nhiều.
“Sống lại” hào khí Điện Biên
Chúng tôi đặt chân đến TP Điện Biên Phủ lúc 13 giờ và ngoài trời khá nóng, nắng nhưng khách du lịch rất đông. Do Điện Biên Phủ mới được thành lập và dân cư còn ít, quy mô phố xá cũng nhỏ nên với lượng khách hành hương về nguồn đông làm chúng tôi có cảm giác phố xá thêm chật chội. Chúng tôi ở khách sạn An Lộc, trên đường Nguyễn Chí Thanh thuộc khu trung tâm TP Điện Biên Phủ. Đường trước đây có bề rộng 7m vừa được nâng cấp lên 15m và ngành chức năng đang cho thi công vỉa hè, gạch đá ngổn ngang. Trên đường này có rất nhiều khách sạn mini và hàng quán, rất tiện cho du khách. Các di tích lịch sử quan trọng của TP Điện Biên Phủ liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ như Tượng đài chiến thắng, đồi A1, bảo tàng chiến dịch, hầm sở chỉ huy của tướng Pháp De Castries, Nghĩa trang đồi A1 cũng nằm quanh đây, chỉ khoảng từ 300-600m.
Tại di tích đồi A1, dòng khách viếng thăm nườm nượp bất chấp thời tiết nóng khô và đồi dốc. Có lẽ đây là một di tích thu hút nhiều người viếng thăm nhất nhờ có khuôn viên rộng, nhiều cây cối, có nhiều giao thông hào, vật che chắn lô cốt được phục chế sinh động gần giống với thực địa của cuộc chiến ác liệt 70 năm trước tại vị trí được xem là án ngữ chỉ huy sở của tập đoàn cứ điểm. Có đoàn khách cựu chiến binh còn thực hiện nghi thức chào chiến sĩ Điện Biên trông thật ấn tượng.
Điểm thứ 2 cũng thu hút đông khách là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu, số liệu hết sức phong phú. Trong đó, ngoài hình ảnh của các Đại đoàn chủ lực 304 (Đại đoàn Vinh Quang), 308 (Đại đoàn quân Tiên Phong), 312 (Đại đoàn Chiến Thắng), 351 (Đại đoàn Công Pháo) thì không thể thiếu hình ảnh những thanh niên xung phong hay dân công hỏa tuyến với kỷ lục thồ hàng thuộc về những chiếc xe đạp của Pháp được chế thành xe thồ tải đến 300kg hàng hóa vận chuyển cho chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần vào chiến thắng lịch sử ngày 7-5-1954 mà chính người Pháp cũng không thể ngờ. Nhìn qua nhìn lại các đoàn khách viếng thăm Điện Biên Phủ những ngày này, hầu hết là các cựu chiến binh từ nhiều vùng miền trên cả nước.
Ngoài cựu binh từ các vùng miền, chúng tôi còn bắt gặp nhiều đoàn khách nữ như đoàn của xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên với đồng phục chỉnh tề, trẻ trung gồm 14 chị em không ngại leo dốc cao để đến tham quan nơi đặt tượng đài bộ đội ta kéo pháo lên Điện Biên Phủ. Nhóm cười nói rôm rả và xếp hàng tạo dáng bên tượng đài mô phỏng cảnh các chiến sĩ kéo pháo lên trận địa Điện Biên Phủ năm xưa.
Đêm trước khi rời Điện Biên, chúng tôi được các anh đồng nghiệp chiêu đãi các món ăn dân tộc Thái khá đặc sắc. Và nếu đã từng ấn tượng với trang phục của phụ nữ Thái, thì chuyến đi giúp chúng tôi có thêm trải nghiệm về ẩm thực dân tộc Thái. Nó như chút men say làm cho du khách thêm lưu luyến và nhủ lòng sẽ trở lại mảnh đất này để khám phá thêm nhiều điều thú vị về thiên nhiên và con người Tây Bắc.