Quà cho tuổi nhỏ

Khi những tập thơ nhỏ nhắn và xinh xắn được đến tay những bạn đọc nhỏ tuổi, thì tác giả của nó đã trở thành người thiên cổ. Đó là trường hợp của hai tập thơ dành cho thiếu nhi vừa được xuất bản: Cháu là cổ tích (Đoàn Vị Thượng) và Những lời của hoa (Lâm Thị Mỹ Dạ).

1. Nhà thơ Đoàn Vị Thượng (tên thật là Trần Quang Đoàn) là tác giả của một số tác phẩm như: Ngôi trường, hoa phượng và tôi (thơ, 1987), Thơ Đoàn Vị Thượng (1988), Chuyện tình chim hót (truyện dài, 1989), Môi thơm (truyện dài, 1990), Tóc em còn thả mùa đi học (truyện dài, 1991).

I6a.jpg
Hai tập thơ là món quà cho các em nhỏ trong dịp hè này

Vào năm 2022, trong một bài viết tưởng nhớ nhà thơ Đoàn Vị Thượng sau một năm ông giã biệt cõi trần, nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ: “Có một điều lấy làm lạ, không hiểu do cơn cớ gì, về sau, dù vẫn viết nhưng bạn không thích tuyển lại in thành sách. Năm 1996, lúc anh Nguyễn Liên Châu mở Tủ sách Hoa Niên (NXB Đồng Nai) chuyên in thơ thiếu nhi, nhiều lần giục đưa bản thảo nhưng bạn chỉ ậm ừ rồi quên béng đi. Mà, thơ thiếu nhi của bạn in Nhi Đồng, Khăn Quàng Đỏ khá nhiều. Mới đây, khi đọc tập tuyển Thơ Đoàn Vị Thượng (NXB Hội Nhà văn - 2020) lại không có một bài nào, kể ra cũng tiếc”.

Nhưng những ai yêu mến nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã không phải tiếc nuối, bởi mới đây, NXB Kim Đồng vừa ấn hành tập thơ Cháu là cổ tích dành cho thiếu nhi với những bức tranh in màu đi kèm đầy dễ thương và sinh động đến từ họa sĩ trẻ Nonchan. Nếu có một điều để tiếc nuối, thì chính là việc nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã không còn được cầm trên tay ấn phẩm đẹp đẽ này.

Có lẽ, bất kỳ đứa trẻ nào cũng yêu thích và từng được nuôi dưỡng bởi những câu chuyện cổ tích. Chẳng thế mà với tập thơ này, nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã chọn câu nói của nhà văn Hans Christian Andersen, cũng là một nhà văn chuyên viết truyện cổ tích nổi tiếng thế giới, làm đề từ: “Thế giới này vô vàn điều mầu nhiệm, nhưng vì lẽ quen thuộc mà chúng ta tưởng là những chuyện bình thường”. Những bài thơ trong Cháu là cổ tích đều được soi rọi bằng lăng kính của cổ tích, rất lung linh và nhiệm màu.

Nhà thơ hóa thân vào đứa trẻ hồn nhiên và ngây thơ, để cùng khám phá và đặt câu hỏi về những hiện tượng xung quanh: Bà ơi! Ông Trăng vàng/Cũng hệt như trái thị/Cô Tấm đâu bà nhỉ/Cô có ngồi trong trăng? Cô Tấm lần nữa xuất hiện trong một thắc mắc đầy ngộ nghĩnh trong bài Cháu cũng là cổ tích: Cô Tấm lượm thóc, quét nhà/Từ trong trái thị cô ra với đời/Bà ơi! Cháu chẳng đi chơi/Dỗ em ngủ, cháu ru hời giấc trưa/Cháu thành cổ tích hay chưa/Hay là chỉ có người xưa thôi bà?

2. Trong ký ức của nhiều thế hệ học trò, hẳn vẫn chưa quên bài thơ Chuyện cổ nước mình, được in trong sách giáo khoa qua nhiều thời kỳ. Bài thơ được làm theo thể lục bát mà đọc lên nghe du dương, thân thuộc như những lời ru của mẹ, của bà: Tôi yêu chuyện cổ nước tôi/Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa/Thương người rồi mới thương ta/Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm/Ở hiền thì lại gặp hiền/Người ngay thì gặp người tiên độ trì.

Trong tuyển tập thơ Những lời của hoa của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, do NXB Trẻ ấn hành, bạn đọc sẽ gặp lại Chuyện cổ nước mình cùng nhiều bài thơ khác. Giống như nhà thơ Đoàn Vị Thượng, khi tập thơ xinh xắn này đến với bạn đọc thì tác giả của nó đã không còn nữa. Vào tháng 7-2023, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời do tuổi cao sức yếu tại TPHCM. Những lời của hoa giống như món quà mà bà gửi đến từ nơi xa cho các em nhỏ trong mùa hè năm nay.

Tập thơ được chia thành 2 phần: Câu hỏi của conNếu mẹ là… Ở phần 1, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tập trung vào mối giao cảm với thiên nhiên qua cái nhìn đầy tươi vui, sinh động và ngộ nghĩnh. Đó là cái nhìn thú vị và hóm hỉnh về dãy núi: Mưa - Núi xa tít/Nắng - Núi đến gần/Nhịp nhàng uốn lượn/A - Núi hành quân (Dãy núi của em). Những câu hỏi của con trẻ tưởng chừng như phi logic nhưng lại đầy bất ngờ, cũng được bà lắng nghe rồi ghi lại: Ai bỏ muối vào sóng/Mà sóng mặn mẹ ơi hay Kìa mẹ ơi hãy trông/Cây cừa nhiều râu thế.

Khắc họa tình cảm thiêng liêng của người mẹ dành cho con là tinh thần chủ đạo ở phần thứ 2. Ngoài Chuyện cổ nước mình, bạn đọc cũng sẽ gặp ở đây bài thơ Trắng trong, được nhạc sĩ Phạm Tuyên gần như giữ nguyên khi phổ nhạc thành bài hát Khúc hát ru người mẹ trẻ. Bài thơ với những hình ảnh gần gũi và đầy xúc động: Đôi làn môi con/Ngậm đầu vú mẹ/Như cây lúa nhỏ/Nghiêng về phù sa/Như hương hoa thơm/Nghiêng về ngọn gió. Và “ngọt ngào” dường như là đúc kết của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ khi viết tình cảm mẹ con cũng là dư vị của cả tập thơ: Ngọt ngào mẹ hát ru con/Như gió ru mảnh trăng non giữa trời/Ngọt ngào là ngọt ngào ơi/Như cây ru quả trong lời của chim/Tròn xoe đôi mắt con nhìn/Mắt mẹ lặng rót muôn nghìn đắm say.

Tin cùng chuyên mục