Quá 15 ngày không trả lời, xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm! ​

Xuất phát từ “hạn chế lớn nhất” của TPHCM là sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa nhịp nhàng trong giải quyết hồ sơ, công việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo quyết liệt: Nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan!


Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính.Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính.Ảnh: VIỆT DŨNG

Chiều 7-5, UBND TPHCM tổ chức hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính hướng tới xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội nghị.

Bổ sung hồ sơ: Chỉ yêu cầu một lần

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh lại một số kết quả tích cực của công tác cải cách hành chính TPHCM năm 2020, trong đó nhấn mạnh đến việc TPHCM luôn sâu sát với cơ sở, thường xuyên quan tâm đến những khó khăn của người dân và doanh nghiệp. TPHCM đã tiếp nhận xử lý 308 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính. Trong đó, 137/308 trường hợp phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà, thực hiện không đúng quy định.

Cùng với đó, Tổ công tác đầu tư của TPHCM đã giúp khơi thông các nguồn vốn đang bị “tắc nghẽn” để thúc đẩy phát triển kinh tế. Đến nay, Tổ đã kết luận đối với 110 dự án, trong đó có 35 dự án cơ bản thực hiện xong các nội dung kết luận, các khó khăn đã được tháo gỡ và đang triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo với tổng mức đầu tư của các dự án hơn 320.000 tỷ đồng.

Dù vậy, công tác cải cách hành chính theo đồng chí Nguyễn Thành Phong vẫn còn những hạn chế. Trong đó đồng chí nhấn mạnh đến “hạn chế lớn nhất” là sự phối hợp trong giải quyết công việc giữa các cơ quan chuyên môn, các quận, huyện, TP Thủ Đức vẫn chưa thật sự thông suốt, nhịp nhàng. Đặc biệt, tình trạng người dân, doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ nhiều lần vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị.

TPHCM cũng chưa có chuyển biến mạnh mẽ trong khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn trên lĩnh vực đất đai, đầu tư và lý lịch tư pháp. Hiện nay vẫn còn 56.632 hồ sơ giải quyết quá hạn, trong đó có 1.689 hồ sơ chưa thực hiện Thư xin lỗi.

Từ những thực tế đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan đơn vị quán triệt thật nghiêm một số chỉ đạo. Cụ thể, nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan theo đúng Quy chế làm việc của UBND TPHCM đã ban hành.

Đồng thời cần thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Bên cạnh đó, khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải đặc biệt quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, phục vụ.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chúc mừng các đơn vị làm tốt công tác cải cách hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo đồng chí, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của TPHCM. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã đóng góp 54,7% vào Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), khu vực kinh tế có vốn nước ngoài đóng góp 19%, khu vực kinh tế Nhà nước đóng góp 13,5%.

"Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, cải cánh hành chính phải đột phá vào việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp. Tôi yêu cầu các sở, ngành liên quan trực tiếp đối với các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và phải đi đầu trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư”, đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.
Các sở ngành được Chủ tịch UBND TPHCM chỉ ra là Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường… Theo đồng chí, các chỉ tiêu cải cách hành chính mà các đơn vị này đề ra phải cao hơn so với chỉ tiêu chung của TPHCM.

Cho rằng Covid-19 cũng là “cơ hội trong khó khăn” để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh công tác cải cách hành chính của TPHCM phải gắn liền với chuyển đổi số. Đây là cơ sở quan trọng để đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% GRDP và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP của TPHCM.

Vẫn còn hiện tượng “sợ trách nhiệm”

Dịp này, UBND TPHCM tặng bằng khen cho 35 tập thể và 8 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua cải cách hành chính năm 2020 trên địa bàn TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tặng bằng khen cho các cá nhân làm tốt công tác cải cách hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trước đó, báo cáo tóm tắt công tác cải cách hành chính năm 2020, nhiệm vụ năm 2021, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, năm 2020 tổng số hồ sơ TPHCM nhận giải quyết là gần 20,3 triệu hồ sơ. Trong đó tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn là 99,72%. So với năm 2019, số lượng hồ sơ tiếp nhận năm 2020 giảm gần 1 triệu hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tăng 0,01%. Số lượng Thư xin lỗi cũng giảm 4,73% so với năm 2019. Tổng số dịch vụ công trực tuyến tính đến tháng 12-2020 là 802/1.807 thủ tục hành chính, đạt 44,38%. TPHCM cũng tiếp nhận hơn 291.000 hồ sơ trực tuyến đăng ký doanh nghiệp trên mạng, đạt tỷ lệ 90%.

TPHCM cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính; tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính và xác định rõ thời gian thực hiện mỗi thủ tục hành chính ở từng cơ quan, đơn vị.

Các đồng chí lãnh đạo sở ngành ký cam kết thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác cải cách hành chính năm 2020 TPHCM tiếp tục ghi nhận có những phản ánh của người dân và doanh nghiệp về tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính kéo dài, cũng như không giải quyết triệt để, thỏa đáng các phản ánh, kiến nghị hợp lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch, giao thông và việc làm có yếu tố nước ngoài… Vẫn còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan đơn vị trong giải quyết hồ sơ, công việc. Vẫn còn hiện tượng người đứng đầu cơ quan đơn vị còn sợ trách nhiệm khi giải quyết yêu cầu của cá nhân, doanh nghiệp….

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông VÕ THỊ TRUNG TRINH:

Hướng tới xử lý công việc 100% trên mạng

Thời gian tới, TPHCM sẽ đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, hướng tới 100% xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên mạng; triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4.

Đồng thời hoàn thiện quy trình số hóa và Hệ thống lưu trữ điện tử cơ quan; tích hợp Hệ thống lưu trữ điện tử thành phố. Nâng cao chất lượng Dịch vụ công trực tuyến như hỗ trợ tự động điền thông tin mẫu đơn; hướng dẫn người dân tự động (Chatbot)…

Giám đốc Sở Tư pháp HUỲNH VĂN HẠNH:

Giảm bớt giấy tờ trùng lắp

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa, tiết kiệm thời gian và chi phí của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu trình UBND TPHCM ban hành quy chế thực hiện liên thông nhóm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại TPHCM từ ngày 1-8-2020.

Qua đó, tổng thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn từ 20 ngày xuống còn 17 ngày, giảm bớt giấy tờ trùng lắp, tiết kiệm thời gian chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, giảm số lần đi lại nộp hồ sơ và nhận kết quả từ 4 lần tại 2 cơ quan xuống còn 2 lần tại 1 cơ quan.

Giám đốc Sở Công thương BÙI TÁ HOÀNG VŨ:

Người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin một lần

Sở Công thương đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2023 nâng cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tăng cường triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. 

Sở cũng phối hợp đẩy mạnh xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, hướng đến người dân và doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần nhờ việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.

Chủ tịch UBND quận 6 LÊ THỊ THANH THẢO:

Vận hành hiệu quả hệ thống tiếp nhận, trả hồ sơ tự động

Sau gần 2 tháng vận hành hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7, quận đã tiếp nhận và trả 124 hồ sơ thuộc các thủ tục hành chính đang áp dụng, nhận được 124/124 lượt đánh giá hài lòng. 

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện hình thức này, UBND quận 6 kiến nghị UBND TPHCM xem xét và chấp thuận việc giải quyết các thủ tục hành chính qua hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7 tương đương như một hình thức trực tuyến để người dân, doanh nghiệp được hưởng việc giảm phí, lệ phí theo hình thức trực tuyến khi TPHCM có chính sách hỗ trợ.

Tin cùng chuyên mục