Khuyến khích tự sản xuất
Theo hãng tin Reuters, nền kinh tế của Qatar dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,6% trong năm nay và tăng gần 3% trong năm 2019. Mức tăng trưởng này thậm chí còn lớn hơn mức tăng 2,2% mà kinh tế Qatar đã đạt được vào năm 2016 - năm trước khi bị “bộ tứ” láng giềng gồm các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cô lập. Trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh nhóm các nước Arab của Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa được công bố, Qatar giữ vị trí số 2, tiếp tục trở thành nền kinh tế năng động nhất trong khu vực Trung Đông.
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế quốc tế, chỉ một thời gian ngắn sau khi bị phong tỏa, Qatar đã có những bước đi linh hoạt trong việc phá vòng vây cấm vận. Phản ứng nhanh chóng này nhận được sự đồng tình từ người dân và hơn 2 triệu người nước ngoài đang sống và làm việc tại Qatar. Vậy Qatar đã dùng biện pháp gì? Là quốc gia giàu có, nhưng Qatar phụ thuộc nhiều vào nguồn thực phẩm nhập khẩu, trong đó 1/3 là hàng nhập từ Saudi Arabia và UAE. Khi mới bị cô lập, người dân Qatar rất lo ngại về nguy cơ khan hiếm thực phẩm. Tuy nhiên, nỗi lo nhanh chóng lắng xuống nhờ Qatar tìm được nguồn cung thực phẩm thay thế từ Iran, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.
Chính phủ Qatar khuyến khích người dân và doanh nghiệp tăng cường làm nông nghiệp sạch, sản xuất rau, sữa và những hàng hóa cơ bản để bảo vệ nền kinh tế khỏi những cú sốc từ bên ngoài. Với kinh phí khoảng 700 triệu USD, Qatar đã tự cung, tự cấp được nguồn sữa tươi với mong muốn mở rộng việc tiêu thụ sản phẩm từ sữa trong nước. Trong vòng chưa đầy một năm, tập đoàn quốc gia Baladna đã xây dựng được một trang trại rộng lớn ngay giữa sa mạc ở miền Bắc Qatar, với 20.000 con bò chủ yếu nhập từ Mỹ. Điểm đặc biệt là trang trại bò sữa có công nghệ hiện đại này được xây dựng tại một khu vực mà nhiệt độ đo được có thể lên đến 500C. Nhờ được chính phủ hỗ trợ, giá bán lẻ 1 lít sữa hiện chỉ là 1,6 EUR. Nông trại sẽ hoàn thiện nhà máy đóng gói sản phẩm vào cuối năm 2018 để thay thế việc nhập khẩu sản phẩm bao bì từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đây, Saudi Arabia là nhà cung cấp chính sữa và các sản phẩm từ sữa cho Qatar, với 400 tấn hàng nhập khẩu vào nước này mỗi ngày. Theo nhà kinh tế học Al-Abdoulkader, cho dù có đạt hiệu quả kinh tế hay không, thì Qatar đã tự cung tự cấp được thực phẩm và đang có kế hoạch tiến tới việc tự sản xuất tất cả những gì mình muốn.
Nhằm khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài, Qatar gần đây đã mở cửa toàn bộ thị trường bất động sản nước này cho khách mua là người nước ngoài. Qatar tuyên bố sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu toàn bộ công ty ở nước này, thay vì chỉ được giữ cổ phần thiểu số trong liên doanh với đối tác trong nước. Bên cạnh đó, nước này dự kiến chi khoảng 3 tỷ USD để thành lập khu kinh tế tự do thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực như: hậu cần, hóa chất, sản xuất nhựa, công nghệ trí tuệ nhân tạo… Dự kiến, nguồn vốn này sẽ tăng lên khoảng 5 tỷ USD khi khu kinh tế đi vào hoạt động với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Kế hoạch xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm sau.
Không có dấu hiệu nhượng bộ
Dù đã cố gắng hạn chế tầm ảnh hưởng của lệnh cấm vận, nhưng Qatar vẫn gặp khó khăn trong một số ngành kinh tế chủ lực, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải hàng không và du lịch. Bị 4 nước láng giềng cấm sử dụng không phận, Hãng hàng không quốc gia Qatar Airways mất 18 điểm đến và buộc phải dừng khoảng 50 chuyến bay mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa với thời gian bay dài hơn và chi phí nhiên liệu gia tăng. Lợi nhuận ngành du lịch cũng sụt giảm, trước khi bị phong tỏa, khách du lịch từ các nước láng giềng vùng Vịnh chiếm hơn một nửa tổng số khách du lịch đến Qatar; nhưng giờ chỉ chiếm khoảng 10%. Theo Capital Economics, lượng khách du lịch từ các nước khác giảm 8,6% so với năm trước.
Bên cạnh đó, giá dầu biến động và rạn nứt ngoại giao gây ảnh hưởng không nhỏ lên hoạt động kinh doanh bất động sản ở Qatar. Đến cuối năm ngoái, giá bất động sản của quốc gia này đã giảm khoảng 11%. Tiền gửi khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính nước ngoài cũng như quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia đã giảm 40 tỷ USD. Tăng trưởng khu vực kinh tế phi dầu mỏ của Qatar đã giảm từ 5,6% trong năm 2016 xuống còn khoảng 4% trong năm 2017. Qatar cũng phải rút tiền từ nguồn dự trữ và bán bớt tài sản ở nước ngoài để bơm tiền vào nền kinh tế cũng như trợ giúp các ngân hàng địa phương.
Nhận định về việc quan hệ căng thẳng giữa Qatar và nhóm “bộ tứ” nước vùng Vịnh trong thời gian tới, ông Majed Mohammed Al-Ansari, Giáo sư Xã hội học chính trị tại Trường Đại học Qatar, cho rằng, nguy cơ về một cuộc tấn công xâm lược của Saudi Arabia hay của UAE vào Qatar đã bị đẩy lùi. Ảnh hưởng của Mỹ đối với vùng Vịnh và những lợi ích của Mỹ liên quan đến việc khai thác các nguồn tài nguyên sống còn như dầu mỏ và khí đốt luôn là những rào cản ngăn cuộc xung đột giữa Qatar với các nước láng giềng Arab biến thành một cuộc chiến tranh thực sự.