Theo PVFCCo, đối với một doanh nghiệp khâu sau của ngành dầu khí, giá dầu giảm là lợi thế do giá nguyên liệu đầu vào giảm. Và sau khi cẩn trọng đánh giá trên nhiều khía cạnh, PVFCCo đã quyết định tạm hoãn kế hoạch bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Phú Mỹ trong năm 2020 và đồng thời đẩy công suất của nhà máy lên mức tối đa để tận dụng thời cơ giá nguyên liệu giảm. Kết quả là nhà máy đạt sản lượng cao chưa từng có trong suốt 17 năm hoạt động với hơn 866.000 tấn ure thành phẩm, trên công suất thiết kế 800.000 tấn sau khi đã được nâng cấp.
Cũng trong năm 2020, nắm bắt thời cơ nhiều nhà sản xuất phân bón trên thế giới tạm ngưng xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngoài việc đáp ứng đủ nhu cầu của ngành nông nghiệp trong nước, PVFCCo đã nhanh nhạy ký kết và thực hiện các đơn hàng xuất khẩu với khối lượng 71.000 tấn phân ure - lớn nhất từ trước tới nay.
Với Slogan “Cho mùa bội thu”, suốt từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, PVFCCo luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, đầu tư để tạo ra những sản phẩm phân bón chất lượng cao, góp phần cùng bà con nông dân tạo nên những vụ mùa bội thu trên các cánh đồng, trang trại, vườn cây.
Hiện tại, PVFCCo đã có bộ sản phẩm phân bón khá toàn diện gồm Đạm Phú Mỹ, Kali Phú Mỹ, các công thức đa dạng của NPK Phú Mỹ, và gần đây nhất, PVFCCo đã đưa ra thị trường sản phẩm mới là Đạm Phú Mỹ + Kebo. Đây là sản phẩm phân đạm có bổ sung các chất vi lượng (TE) và chuyên dùng cho các cây cà phê, cây ăn quả, rau màu; giúp tăng cường khả năng ra hoa, đậu quả, tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất của bà con nông dân - vốn là một trong các mục tiêu chính mà PVFCCo nhất quán theo đuổi từ nhiều năm nay.
Đặc biệt, ngoài phân bón, PVFCCo còn khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất hóa chất, hóa phẩm chuyên dụng cho các nhà máy trong ngành phân bón hóa chất, các nhà thầu dầu khí tại Việt Nam. Mức đóng góp về doanh thu và lợi nhuận của mảng hóa chất cho PVFCCo ngày càng tăng cao.