Pritzker 2021 vinh danh kiến trúc bền vững

Giải Pritzker 2021, còn được gọi là Nobel Kiến trúc, đã về tay 2 kiến trúc sư Anne Lacaton và Jean-Philippe Vassal. Giải thưởng ghi nhận sự đóng góp của 2 kiến trúc sư trong lĩnh vực thiết kế trên toàn cầu, cũng như tôn vinh xu hướng kiến trúc bền vững mà họ kiên trì theo đuổi nhiều năm qua. 
Vợ chồng kiến trúc sư Anne Lacaton và Jean-Philippe Vassal
Vợ chồng kiến trúc sư Anne Lacaton và Jean-Philippe Vassal


Bà Anne Lacaton, sinh năm 1955 và ông Jean-Philippe Vassal, sinh năm 1954, quen nhau khi còn là sinh viên trường cao đẳng kiến trúc tại thành phố Bordeaux, miền Nam nước Pháp. Sau khi tốt nghiệp năm 1980, họ kết hôn, cùng thành lập Công ty Lacaton & Vassal vào năm 1987.

Trong hơn 30 năm hoạt động, bộ đôi này từng giành được nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có giải nhất về Kiến trúc của Pháp năm 2008, giải Thước đo góc ê ke bạc vào cuối năm 2011 cũng như giải thưởng toàn cầu dành cho các dự án kiến trúc bền vững Global Award for Sustainable Architecture vào năm 2018.

Khi mới tốt nghiệp, ông Jean-Philippe Vassal chọn làm việc trong vòng 5 năm ở văn phòng quy hoạch đô thị tại Niamey, thủ đô Niger để trau dồi tay nghề. Cũng tại đây, lấy cảm hứng từ truyền thống xây nhà chòi lợp mái bằng rơm của người dân bản địa Tây Phi, ông Jean-Philippe Vassal đưa nhiều ý tưởng mới vào cách xây nhà ở Âu-Mỹ. Thay vì xây tường ngăn vách, ông chủ trương xây không gian mở rộng thông thoáng, dùng các vật liệu dễ tìm thấy tại chỗ thay vì nhập khẩu để giảm chi phí xây cất. Lúc mở công ty kiến trúc cùng bà Anne Lacaton, cả hai phát huy hướng nghiên cứu này, trước khi khái niệm phát triển bền vững và bảo vệ sinh thái trở nên thịnh hành. Hai người đã khởi xướng trào lưu kiến tạo các công trình có cấu trúc dành cho số đông, kết hợp cùng lúc nhiều tiêu chuẩn, trong đó quan trọng nhất vẫn là chuyển đổi và nâng cấp các tòa chung cư hiện có ở các vùng đô thị, thay vì đơn thuần san bằng để xây lại các dãy nhà mới. 

Trong những năm gần đây, giới nhà thầu xây dựng chỉ muốn xóa bỏ những quần thể kiến trúc có từ vài thập niên trước, san bằng những tòa nhà cũ kỹ rồi xây mới lại toàn bộ, đúng theo các quy định về nhà cửa hiện thời. Nhưng 2 kiến trúc sư Jean-Philippe Vassal, Anne Lacaton vẫn chọn lối đi riêng vì cho rằng biện pháp này dẫn đến tình trạng phung phí năng lượng, gạt qua một bên việc tái xử lý các vật liệu xây cất nát vụn. Một trong những dự án nổi tiếng của 2 ông bà là “Maison Latapie”, một ngôi nhà nhỏ có vườn sau được xây vào năm 1993, cho gia đình có 4 thành viên, ở thị trấn Floirac, gần thành phố Bordeaux. Ngôi nhà này đã trở thành biểu tượng của phong cách Lacaton & Vassal, chỗ ở khá rộng thoáng, vừa tiết kiệm điện vừa không tốn nhiều nước. Với dự án này, 2 kiến trúc sư Lacaton, Vassal lần đầu tiên áp dụng công nghệ nhà kính qua việc tái tạo một khu vườn mùa đông không cần phải chăm sóc nhiều trong một căn nhà có diện tích 60m2.

Cùng 2 đồng nghiệp Frédéric Druot và Christophe Hutin, Anne Lacaton và Jean-Philippe Vassal tiến hành kế hoạch trùng tu tòa nhà Tour Bois Le Prêtre ở thủ đô Paris vào năm 2011. Họ phục hồi, thay đổi kiến trúc tòa nhà bằng cách tháo gỡ các lớp bê tông dày và thay thế bằng các chất liệu giữ nhiệt, mở rộng thêm diện tích nhà ở qua việc xây thêm ban công sinh thái, xây dựng hệ thống cây xanh dễ trồng để tạo thêm ánh sáng tự nhiên và giảm bớt việc dùng điện để sưởi ấm. Nhờ vào sáng kiến này, họ cùng đoạt giải nhất kiến trúc đương đại Mies-van-der Rohe của Liên minh châu Âu vào năm 2019. Ý tưởng mở rộng không gian, tái tạo sự thông thoáng tươi mát được 2 kiến trúc sư lần lượt áp dụng cho các công trình khác tại châu Âu và châu Á.

Tin cùng chuyên mục