Tết sau, con sẽ về đoàn viên

Ngày ông Công ông Táo, khi bầu trời còn tờ mờ chưa rạng lên những tia nắng, thì tôi và đồng đội đã đeo trên mình chiếc ba lô con cóc để lên đường hành quân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Đợt hành quân này chúng tôi sẽ ở lại trong rừng qua đêm Giao thừa để trực sẵn sàng chiến đấu. Ba giờ sáng, sân đơn vị đã đông nghịt từ chỉ huy Tiểu đoàn đến quân y, hậu cần. Sau mệnh lệnh của Tiểu đoàn trưởng “Hành quân rèn luyện … Đường hành quân … Hướng …” thì từng hàng quân nối đuôi nhau đi trong lặng lẽ, sự lặng lẽ đến độ chỉ còn lại là những tiếng lọc cọc phát ra từ ba lô.

Trên đường chúng tôi đi, những chiếc đèn lồng đỏ tươi, cờ và hoa trải dài xuyên suốt tầm mắt khiến lòng ai cũng rạo rực. Bước chân tôi bắt đầu rệu rạo, tưởng như cung đường cứ dài mãi chẳng dứt. Mồ hôi thấm mệt vai áo. Đoàn quân chúng tôi đi ngược dòng người, những chuyến xe nối nhau lướt qua, nhìn qua ô cửa sổ tôi thấy trên tay họ là cành đào hồng thắm với ánh mắt mong chờ của người con xa quê đang đếm từng phút giây, để trở về đoàn tụ cùng gia đình bên mâm cơm tất niên. Khoảnh khắc ấy, lòng tôi thầm ao ước, giá mà đi thêm vài bước nữa sẽ tới thôn xóm quê mình, nơi có bố mẹ và các em đang dang rộng vòng tay đợi chờ.

Chúng tôi dừng chân trên ngọn Hòn Khô, giữa núi non trập trùng, ai nấy đều mệt nhoài sau chuyến đi dài hơn năm chục cây số. Nghỉ ngơi chốc lát, chúng tôi bắt tay ngay vào dựng lều bạt, mắc tăng võng và đào công sự. Nền trời hiện ra những tia nắng đầu tiên thật đẹp, xuyên qua áng mây lững lờ trôi lưng chừng núi. Trở thành một người lính, đây là lần đầu tiên trong đời tôi đón tết xa nhà, không có bố mẹ và gia đình cạnh bên. Trong đầu khắc khoải nhiều suy tư chẳng thể nào tháo gỡ. Thật may vì vẫn còn đồng đội luôn kề cận quan tâm lẫn nhau, cùng động viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và hơn cả, tôi vẫn còn nhớ bao lời của mẹ dặn dò trước ngày hành quân. Đã là một người chiến sĩ thì đôi khi phải gạt đi tình riêng để cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc.

Giữa cánh rừng vắng lặng, anh em chiến sĩ chúng tôi cùng trang trí tết. Người mang cành đào rừng về lều cắm. Người lấy từ ba lô những chiếc dây liễng nhung đỏ lén đem theo từ đơn vị. Và lá cờ đỏ thắm được căng lên chính giữa, phía dưới là hình ảnh Bác Hồ thân thương. Ai nấy đều cười vui hồ hởi, tạm quên đi những thiếu thốn của cái tết xa nhà. Nhưng lòng tôi vẫn không thôi tự hỏi: Giờ này bố mẹ đang làm gì? Có lẽ mẹ vẫn đang đổ thóc giống, gót chân nứt nẻ buốt nhói, đôi bàn tay nhăn nheo khô ráp trong cái rét bần bật, vẫn cố gắng cho xong nền đất màu để kịp gieo mạ vụ Đông Xuân. Mãi tới chiều Ba mươi Tết, mẹ mới bày biện nếp đậu trước hiên nhà, bố ngồi lau lá dong, đôi bàn tay chai sần nhọc nhằn bao tháng năm vẫn tỉ mẩn gói chiếc bánh chưng vuông vức.

Đêm trở lạnh, sau buổi sinh hoạt quán triệt nhiệm vụ, mọi người ngồi quây quần đốt lửa cùng đón chờ thời khắc Giao thừa. Anh Trung đội trưởng cầm trên tay cây đàn ghita, đánh lên bài hát “Xuân chiến khu”, những nốt nhạc vút lên hân hoan khiến mọi người dần quên đi cái rét đang len lỏi trong đêm tối. Ánh lửa như sưởi ấm cõi lòng những người lính xa quê, tôi chợt nhớ về gian bếp hồng đêm Ba mươi, cả nhà ngồi bên nhau vừa canh nồi bánh chưng thơm phức mùi hương của nếp đậu, vừa ôn lại những câu chuyện của một năm đi qua.

Khi sương khuya vương đầy vai áo, tôi nằm trên chiếc võng, trằn trọc chẳng ngủ được phần vì cái rét rừng, phần vì nhớ nhà. Ngoài trời, cơn mưa xuân đang lất phất rơi, tôi bật chiếc đài nhỏ mà bố tặng ngày nhập ngũ. Một âm thanh rè rè vang lên cùng giọng đọc của chương trình tiếng thơ đêm khuya như xoa dịu bao nỗi niềm da diết cõi lòng.

Sáng mùng Một, chúng tôi hành quân trở về doanh trại. Khoác trên vai chiếc ba lô thấm đượm hương tết của núi rừng, trời hôm nay trong xanh hơn mọi ngày khiến lòng tôi khoan khoái mỗi nhịp chân đi. Những vết buồn của năm cũ đã được xóa sạch sau đêm trừ tịch. Con đường hành quân lúc này khiến chúng tôi cảm thấy không còn xa nữa. Về đến đơn vị, tôi được phân công nhiệm vụ gác vọng số năm ở gần khu dân cư. Dường như đâu đây thoang thoảng mùi hương của mâm cơm cúng đầu năm, hóa ra gần nơi gác một bà lão đang đứng trên ban công lẩm nhẩm lời khấn. Nhìn mái tóc đã bạc phơ của bà, tôi nhớ bố mẹ với bao thăng trầm của cuộc đời, lặn lội mưu sinh quanh năm đến tận những ngày giáp tết để mong các con được đủ đầy. Lòng tôi thầm nghĩ, dẫu cho đi khắp phương trời vẫn mong được trở về ăn tết bên gia đình bởi tôi hiểu không tết nơi đâu đẹp bằng tết quê mình.

Bố mẹ ơi! Tết sau, con sẽ về đoàn viên.

ĐĂNG HIỆP

Thủy Nguyên, TP Hải Phòng

Tin cùng chuyên mục