Hoa đào năm ấy còn vương

Năm nay, mới đầu tháng chạp năm Quý Mão nhưng hoa đào đã vội chúm chím trước ngõ. Những cánh hoa chưa kịp bung, chỉ e ấp cười và nấp trong chiếc vỏ xanh cuộn chặt đã chạm vào miền nhớ của người phụ nữ ngoài 50 tuổi, làm sống dậy câu chuyện về mùa Tết Nhâm Tuất 1982.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Chiều 27 Tết, khi mặt trời đang từ từ lặn xuống dãy núi trước mặt của làng Gan Reo thì anh Ánh – Trưởng chốt Công an đóng tại làng – xách tòn teng một cặp bánh chưng sang nhà bố mẹ Vy. Anh công an hồ hởi: “Bố mẹ ơi, chúng con sang biếu tết gia đình mình đây. Mẹ cho các em ăn ngay cho nóng ạ”. Mẹ của Vy từ dưới bếp chạy lên, mẹ vui ra mặt: “Ồ quý hóa quá, gia đình cảm ơn con và các anh bên chốt nhé”. Chiều đó, gia đình Vy ăn bánh thay cơm. Những miếng bánh chưng dẻo và thơm. Vừa ăn, cả nhà vừa nói chuyện rôm rả với anh Ánh, bao nhiêu thứ chuyện ở đâu ra mà nói mãi không hết.

Từ đầu năm 1981, chốt Công an Gan Reo tọa lạc ngay đầu làng của người K’Ho, thuộc xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Thời kỳ ấy, Fulro hoành hành dữ dội ở các tỉnh Tây Nguyên. Các anh công an được tăng cường từ nhiều tỉnh phía Bắc vào đây để làm nhiệm vụ truy quét Fulro, bảo vệ an ninh chính trị ở địa phương. Các anh khi ấy còn rất trẻ, chỉ độ 20 - 24 tuổi. Họ sống gần gũi với dân làng. Họ nhận bố mẹ Vy làm cha mẹ nuôi. Nhà Vy ở gần chốt (làng Gan Reo cũng có vài gia đình người Kinh như nhà Vy). Hễ có việc đi công việc đâu đó, các anh lại tạt vào nhà Vy. Hiểu cuộc sống của người dân còn khó khăn, các anh công an ở chốt thường san sẻ miếng ăn thức uống nếu có thể. Có hôm các anh ra cánh đồng lúa cạnh làng bắt được cả thùng cua về cải thiện bữa ăn cho đơn vị. Họ đã mang sang một rổ cua để mẹ Vy nấu canh, ăn cơm có canh cua rau đay sao mà ngon thế chứ! Đến mùa chòi mòi chín, các anh lên rừng hái, mang về cho chị em Vy mấy cành, ăn tím cả miệng. Riết rồi, ngày nào các anh không tiện ghé, Vy bỗng cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó.

Thường thì đến trưa 29 Tết bố Vy mới gói bánh chưng. Năm ấy anh Hải và anh Ích xuống giúp bố Vy gói bánh. Vy còn nhớ, khi trời vào đêm, các anh phụ bố nổi lửa luộc bánh. Anh Phiêu nói: “Bố mệt cứ đi ngủ sớm. Để bọn con canh bánh cho ạ”. Nhưng bố Vy sao ngủ được. Cả nhà Vy quây quần quanh bếp lửa ấm áp giữa cái sương giá của xóm núi. Những cánh hoa đào trước sân qua ánh lửa bập bùng lóe lên màu hồng phấn thật lung linh.

Mẹ Vy trải hai chiếc chiếu cạnh nồi bánh chưng đang luộc. Các anh ngồi chơi lô tô; có người thì nướng khoai lang, …Vy ngồi nghe anh Phiêu kể chuyện phong tục tết. Thực ra, những phong tục như gói bánh chưng, bánh tét, chưng hoa mai hoa đào, chưng mâm ngũ quả... Vy đã biết cả rồi. Vy đã 15 tuổi rồi mà. Nhưng anh Phiêu kể với giọng trầm trầm, ấm áp, anh còn nói cho Vy biết ý nghĩa của từng phong tục nên Vy đã nghe rất say sưa. Anh vừa kể vừa châm thêm củi vào bếp, có lúc lại lấy cái gắp than khơi cho lòng bếp được thoáng để lửa cháy được to. Lửa bắn ra tí tách, reo vui. Anh Hải dẫu đang chơi lô tô cũng quay sang trêu: “Đồng chí Phiêu đọc sách nhiều lắm nhỉ? Kể cho đúng nhé, chớ mai mốt em Vy làm cô giáo lỡ kể sai cho học trò thì nguy to”. Cả nhóm lại cười rần rần. Anh Phiêu cũng đáo để: “Đồng chí cứ yên tâm! Nếu không được tăng cường vào Tây Nguyên đợt này, mình đã là một anh giáo rồi đấy”. Câu chuyện bên bếp lửa cứ thế tiếp diễn, thật vui.

Bánh chưng chưa vớt được nhưng các anh phải quay về chốt. Đêm ấy là lần đầu tiên Vy thức để luộc bánh chưng. Và cũng ở mùa xuân năm Nhâm Tuất ấy, không khí tết ở gia đình Vy thêm vui vẻ vì có các anh công an cùng ăn tết. Chỉ thương nhất là vào đêm 30, gần đến giao thừa rồi mà anh Ánh lại chạy sang, giọng nghẹn ngào: “Chúng con chưa bao giờ ăn tết xa nhà, nhớ nhà quá bố mẹ ơi!”. Mắt ngân ngấn, anh nói tiếp: “Con không thể chịu đựng nổi khi nhìn mấy anh em bên chốt buồn nhớ nhà, rồi khóc,...”. Mẹ Vy an ủi ngay: “Phải cứng rắn lên chứ! Khi nào Tây Nguyên bình yên, các con lại được về quê ăn tết nhé!”. Những người mạnh mẽ như các anh cũng đã rơi lệ khi phải xa nhà trong đêm giao thừa. Có những giọt nước mắt âm thầm lặn sâu vào tim trong những mùa tết đến để sắc hoa anh đào của đất nước được thắm mãi.

***

Mỗi lần anh đào ở xóm núi nở hoa thì miền nhớ trong ký ức của người phụ nữ tóc đã điểm bạc lại dội về thật ngọt ngào trong luyến thương mùa hoa đào năm ấy.

ĐẶNG NGỌC LAN

Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng

Tin cùng chuyên mục