Sau Kofi Annan

Ai sẽ là Tổng Thư ký Liên hiệp quốc?

Ai sẽ là Tổng Thư ký Liên hiệp quốc?

Việc chọn một Tổng Thư ký (TTK) mới là đề tài bắt đầu được nói đến nhiều nhất tại LHQ trong 2006. Hiện LHQ chưa đưa ra thời gian biểu cụ thể cho việc bầu chọn vị trí hiện do ông Kofi Annan nắm giữ với nhiệm kỳ 2 kết thúc vào 31-12-2006. Dẫu vậy, một cuộc đua đang bắt đầu. Richard Holbrooke trên tờ Washington Post nói rằng chẳng hề công khai, nhưng một chiến dịch vận động bầu cử quốc tế quan trọng đang diễn ra. Các ứng cử viên đang lặng lẽ bay đi New York, Washington, Beijing, Paris, Moscow và London, gặp gỡ các bộ trưởng ngoại giao, các quan chức khác…

  • Châu Á đến lượt?

Ai sẽ là Tổng Thư ký Liên hiệp quốc? ảnh 1

Ông Ban Ki-moon.

2006 là năm được cho là đến lượt châu Á nắm giữ vị trí này, bởi đã không có ai giữ chức TTK từ khi ông U Thant (người Myanmar) kết thúc nhiệm kỳ 2 vào 1971. Nhưng Jhon Bolton, Đại sứ Mỹ, không đồng tình về việc luân phiên tính theo yếu tố địa lý.

Ngoài 4 thành viên Hội đồng Bảo an giữ quyền phủ quyết, Anh chia sẻ quan điểm với Bolton, Pháp cho rằng khu vực châu Á nên được ưu tiên nhưng không chống lại ai. Trung Quốc, Nga nói kiên quyết chọn châu Á, cho thấy họ sẽ phủ quyết mọi ứng viên (ƯV) khác.

Các khu vực khác và các quốc gia khác cũng góp phần tranh cãi về việc nắm giữ vai trò TTK LHQ kế tiếp. Đông Âu nói nay họ đã là một khu vực riêng và cựu Tổng thống Balan Aleksander Kwaniewski và Tổng thống Latvia đã tỏ ý xông trận.

Hiện nay LHQ chưa đưa ra tiêu chuẩn cho vị trí này, cũng không có nguyên tắc vận động và diễn đàn giới thiệu những người muốn ứng cử. Bolton cho biết dự định thảo luận vấn đề kế nhiệm này tại HĐBA tháng này khi Mỹ giữ chức chủ tịch hội đồng.

  • Các ứng viên triển vọng

Các ƯV đang được bàn cãi nhiều nhất, tại thời điểm này, có hoàng tử Jordan, một người được giải Nobel hòa bình ở Đông Timor, 2 tổng thống vùng Đông Âu, một nhà ngoại giao Thụy Điển, một thẩm phán Canada và một nhà kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Ba nhân vật ở châu Á được ưu ái nhiều cũng trong số này: Phó Thủ tướng Thái Lan Surakiart Sathirathai, Jayantha Dhanapala của Sri Lanka và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ban Ki-moon.

Gần đây có tin đồn cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Chile Ricardo Lagos tỏ dấu hiệu muốn trở thành TTK; tuy nhiên việc chỉ định Bill Clinton, người của một nước trong HĐBA, không được hoan nghênh. ƯV khác là Gro Harlem Brundtland, cựu Thủ tướng Na Uy và là Tổng giám đốc WHO.

Không tính đến những tranh cãi, đến nay đã có một số tên tuổi ƯV nổi lên, được chú ý nhiều nhất là:

1. Surakiart Sathirathai, Phó Thủ tướng Thái Lan, tốt nghiệp luật sư tại Đại học Havard, am hiểu về tài chánh và kinh tế quốc tế. Ông được sự tán thành của Hiệp hội các nước Đông Nam Á, một cơ sở vững chắc để từ đó ứng cử.

2. Ban Ki-moon, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, có mối quan hệ tuyệt vời với Washington và Bắc Kinh. Nhưng liệu Bắc Kinh có chấp nhận một TTK LHQ từ một nước có ký hiệp ước liên minh với Mỹ đồng thời là một nhà ngoại giao tham gia sâu sắc vào đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên?

Tuy nhiên, đến nay đây là ƯV thông báo khá sớm việc ứng cử vào chức vụ này. 14-2, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc chính thức thông báo Ban Ki-moon sẽ ứng cử chức TTK LHQ. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh trong 40 năm hoạt động ngoại giao, Bộ trưởng Ban Ki-moon tích lũy nhiều kinh nghiệm và có uy tín trong việc xử lý các vấn đề hòa bình và an ninh, phát triển con người và dân chủ, vốn là 3 trụ cột chính trong hoạt động của LHQ.

3. Jose Ramos Horta, Bộ trưởng Ngoại giao của Đông Timor, quốc gia mới nhất trên thế giới, và cho đến nay, vẫn là một bán đảo bị chiến tranh tàn phá ở Nam Thái Bình Dương được LHQ quản trị. Ramos Horta đã được trao giải Nobel hòa bình và nổi tiếng trên thế giới, nhưng đất nước ông nhỏ với chỉ 800.000 dân.

4. Yayantha Dhanapala, nhà thương lượng hòa bình người Sri Lanka, là Phó TTK LHQ chịu trách nhiệm về giải trừ quân bị đồng thời là đại sứ của LHQ tại Mỹ.

5. Kemal Dervis, Thổ Nhĩ Kỳ, đứng đầu cơ quan UNDP của LHQ, là một trường hợp thú vị. Sự ứng cử của ông vượt ra sự tính toán của những ai tính đến điều kiện địa lý châu Á bởi nước này ở châu Á mà cũng được coi ở Đông Âu (với phần tách ra muốn là thành viên mới nhất của EU).

  • Bất ngờ phút cuối

Việc bầu chọn TTK LHQ được đồn đoán có thể bắt đầu vào giữa tháng 5 và 6, cũng có thể vào giữa tháng 8 và 9. Holbrooke đoán rằng quyết định sẽ diễn ra thuận lợi nhất là cuối tháng 9, trong hội nghị hàng năm của các nhà lãnh đạo ngoại giao tại Đại hội đồng LHQ. Nhưng không ai đoán được điều gì sẽ đến. Lịch sử cho thấy rất có thể không ai trong số ƯV được nhắc nhiều sẽ chiến thắng.

Cũng có ý kiến nói TTK kế tiếp của LHQ có thể không ở trong danh sách này. Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong, chẳng hạn, có thể nổi lên vào phút cuối. Hoặc một bất ngờ khác, hoàng tử Zeid Raed al – Hussein, đại sứ trẻ của Jordan tại LHQ vốn khéo léo và tao nhã, được chú ý hơn. Và nữa, sao không là một nhân vật nữ bởi 60 năm qua LHQ chưa hề có nữ giữ chức TTK. Nữ Thủ tướng New Zealand Helen Clark và thống đốc New Zealand, bà Silvia Cartwright được coi là đứng đầu (về phía nữ còn có Tổng thống Latvia Vike- Freiberga đã nêu).

LỆ THƯ

Các đời Tổng Thư ký LHQ:

Sir Gladwyn Jebb (Vương quốc Anh): 1945-1946, quyền TTK.

1. Trygve Halvdan Lie (Na Uy): 2-2-1946 – 10-1952.

2. Dag Hammarsckjold (Thụy Điển): 10-4-1953 – 18-9-1961.

3. U Thant (Burma nay là Myanmar): 30-10-1961 – 31-12-1971.

4. Kurt Waldheim: 1-1-1972 – 31-12-1981.

5. Javier Pérez de cúellar (Peru): 1-1-1982 – 31-12-1991.

6. Boutros Boutros – Ghali (Ai Cập): 1-1-1992 – 31-12-1996.

7. Kofi Annan (Ghana): 1-1-1997 cho đến nay.

* TTK LHQ được chỉ định nhiệm kỳ 5 năm và thường phục vụ 2 nhiệm kỳ liền. Đôi khi họ cũng làm có một nhiệm kỳ.

* TTK LHQ được chỉ định bởi Đại hội đồng, dựa trên sự giới thiệu của HĐBA. Việc chọn lựa có thể bị quản chế bởi sự phủ quyết của bất kỳ thành viên thường trực nào trong HĐBA.

Tin cùng chuyên mục